Qua bài học, các em sẽ được ôn tập và luyện viết các đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố nghị luận. Yếu tố nghị luận trong bài văn tự sự giúp truyền tải các tư tưởng, tình cảm của người viết, giúp câu chuyện mang tính triết lý, sâu sắc hơn.
I. Tìm hiểu về yếu tố nghị luận trong các đoạn văn tự sự:
1. Đọc và tìm hiểu đoạn văn “Lỗi lầm và sự biết ơn”
2. Trả lời câu hỏi: Trong đoạn văn nêu trên, yếu tố nghị luận được thể hiện ở những câu văn nào? Hãy chỉ ra vai trò của những yếu tố đó trong việc làm nổi bật nội dung của đoạn văn.
- Trong đoạn văn “Lỗi lầm và sự biết ơn”, yếu tố nghị luận được thể hiện ở hai câu:
- Câu 1: “Những điều viết lên cát sẽ … được ghi tạc trên đá, trong lòng người”
- Câu 2: “Mỗi chúng ta hãy… những ân nghĩa lên đá”
- Vai trò của các yếu tố nghị luận trong việc làm nổi bật nội dung của đoạn văn trên:
+ Làm câu chuyện hấp dẫn, sâu sắc và mang tính giáo dục cao.
+ Giúp người viết truyền tải tư tưởng, tình cảm.
II. Thực hành viết các đoạn văn tự sự có yếu tố nghị luận
1. Hãy viết một đoạn văn kể lại một buổi sinh hoạt lớp. Tại buổi sinh hoạt lớp ấy, em đã nêu lên các ý kiến của mình để chứng minh bạn Nam là một người rất tốt.
Buổi sinh hoạt lớp tuần trước là buổi sinh hoạt đầy ý nghĩa và khiến lớp chúng em không thể nào quên. Khi tiếng trống vào tiết vừa dứt, bóng áo dài thướt tha của cô chủ nhiệm đã thấp thoáng ngoài hành lang, trông cô vội vàng hơn thường lệ. Cô đi vào lớp, thông báo cho chúng em một tin:
- Hôm nay, trong cuộc họp với nhà trường, lớp chúng ta đã bị phê bình và trừ 10 điểm thi đua. Nguyên nhân là lớp ta có một bạn đi muộn trong buổi sinh hoạt tập thể buổi chiều hôm qua. Nam, em cho cô biết lý do vì sao hôm qua em đi muộn.
Cả lớp đổ dồn ánh mắt về phía góc lớp. Nam rụt rè đứng lên, ấp úng mãi cũng chỉ nói được:
- Em… em thưa cô…
Nam vốn là người nhút nhát, đứng trước câu hỏi của cô cùng những lời xì xầm từ các bạn, cậu đỏ mặt tía tai, đứng như trời trồng mãi không nói nên lời. Có một số bạn quá khích đã buông lời trách Nam làm ảnh hưởng đến lớp, đề nghị cô phạt Nam để làm gương.
Em biết Nam đi muộn là vì có lý do chính đáng, em vội giơ tay xin phát biểu:
- Thưa cô và các bạn, hôm qua bạn Nam đi muộn là vì bạn ấy đã phải đưa một người gặp tai nạn đi bệnh viện ạ. Trên đường đi học, Nam gặp một người bị ngã xe nhưng trên đường không có ai giúp. Mặc dù đã sắp vào học nhưng Nam vẫn cố đưa người đó vào bệnh viện rồi mới rời đi. Tuy bạn Nam đã mắc lỗi nhưng nguyên nhân là vì Nam giúp người bị nạn chứ không phải Nam cố tình. Em hy vọng cô và cả lớp bỏ qua cho bạn.
Em còn phát biểu thêm:
- Nam luôn là người bạn rất tốt, không chỉ giúp đỡ người gặp nạn mà Nam còn thường xuyên giúp đỡ bạn bè trong lớp. Cậu ấy ít nói nhưng tính tình hiền hòa, lúc nào cũng ở lại sau cùng phụ các bạn làm trực nhật. Trong giờ kiểm tra, Huy quên tẩy bút chì, Nam sẵn sàng chia cho Huy một nửa. Ta không nên vì một lỗi lầm nhỏ mà chỉ trích, xa lánh một người vốn luôn rất tốt.
Sau khi em phát biểu, cả lớp đã hiểu và tha thứ cho Nam. Nhưng cô cũng khuyên Nam lần sau có chuyện thì cần mạnh dạn báo cho cô để cô và các bạn giúp đỡ. Buổi sinh hoạt hôm ấy kết thúc trong bầu không khí vui vẻ, đây sẽ là buổi sinh hoạt đáng nhớ nhất trong đời em.
2. Hãy viết một đoạn văn kể về việc làm hoặc lời dạy của bà đã làm em cảm động (trong đoạn văn có yếu tố nghị luận)
Bà tôi là người phụ nữ làng quê chân chất, cả đời gắn bó với đồng ruộng, với cây đa, giếng nước, sân đình. Chắc vì lẽ ấy mà bà lúc nào cũng giản dị, ở bên bà lúc nào tôi cũng thấy bình yên lạ thường.
Cứ mỗi dịp hè lòng tôi lại háo hức, trông ngóng từng ngày để được về quê, sà vào lòng bà mà nũng nịu. Bà chắc chắn sẽ đưa đôi tay nhăn nheo ôm ấp, vỗ về tôi như ngày còn bé. Tôi thích nhất là những đêm ở quê, được nằm trên chiếc chõng tre nghe bà kể chuyện. Bà bảo bà ít chữ nhưng sao câu chuyện nào bà kể cũng hay, câu ca dao nào bà đọc cũng thấm thía. Bà hay dạy chúng tôi rằng: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Con cháu của bà luôn được dạy ăn nói nhẹ nhàng, ý tứ, đừng chỉ vì một phút nóng giận mà buông lời khó nghe. Bà bảo lời nói tuy nhẹ mà nặng. Người ta có thể thương nhau chỉ vì một câu nói, cũng có thể ghét nhau, hận nhau chỉ vì một câu nói. Bởi thế nên cháu phải cẩn thận trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, lời nói ra rồi như bát nước hất đi, khó lòng sửa lại.
Cả một đời bà chẳng bao giờ trách mắng ai nửa lời nhưng khắp làng xóm ai cũng nể phục và yêu quý. Bà không dạy tôi những phép tính, những câu văn nhưng bà dạy tôi cách sống, cách làm người tử tế. Những lời dạy nhẹ nhàng mà thấm thía của bà cứ thế nuôi dưỡng tôi lớn lên. Chúng tôi lớn dần và cũng xa bà dần, hè này tôi ở lại thành phố với những bài kiểm tra rối mắt, với những hôm học thêm đến tận tối khuya. Tuy không có bà ở cạnh nhưng hình bóng và lời dạy của bà sẽ sát cánh cùng tôi. Tôi có thêm động lực để học tốt, mong sớm được về bà, sớm được ôm lấy bà, nằm nghe kể chuyện.