Doodle art là gì?
Lý giải đơn giản thì, doodle art là một nhánh của nghệ thuật thị giác, sử dụng những nét vẽ nguệch ngoạc không có tổ chức để tạo thành một bức tranh với nhiều hình vẽ ngẫu nhiên nối tiếp nhau. Một bức tranh doodle art có thể là sự kết hợp của nhiều đường nét uốn lượn, thẳng tắp gãy gọn, hay những khung hình tròn vuông tương phản với nhau, tạo thành một sự kết nối nhất định trong tranh.
Điểm thú vị của doodle art chính là việc doodle art không hề có một quy luật nào. Giới hạn duy nhất của người vẽ doodle chính là sự tập trung của họ, bởi một khi bộ não của họ lấy lại được ý thức thời gian, họ sẽ dừng việc vẽ doodle art ngay tức khắc. Tuy nhiên, trong tâm trí lơ đễnh của người nghệ sĩ, bộ não chúng ta vô thức điều hướng nét vẽ, tạo thành những cụm hình ảnh liên tiếp nối liền nhau. Dù bức tranh có mang chủ đề gì hay chăng nữa, bức tranh vẫn có một nét thú vị nhất định của mình.
Về chủ đề, thật khó để có thể tóm tắt doodle art trong một phạm vi nhất định. Doodle art có thể được dùng để tái hiện lại bất kỳ điều gì người vẽ muốn, có thể là những bức hình biếm họa, những câu nói nổi tiếng, các nhân vật nổi tiếng trên truyền hình và phương tiện truyền thông… Nhìn chung, Doodle art là sự sáng tạo không giới hạn!
Lịch sử phát triển của doodle art
Thuật ngữ doodle art đã xuất hiện từ rất lâu về trước, từ khoảng thế kỷ XVII dùng để miêu tả sự ngờ nghệch hoặc sự đơn giản. Từ doodle tiếp tục được biến đổi thành động từ vào thế kỷ XVIII, với nghĩa là biến ai đó thành trò cười. Đến những thập kỷ hiện đại sau này, từ doodle mới bắt đầu mang nghĩa là không làm gì, hoặc chỉ đơn giản là miêu tả những bức tranh nguệch ngoạc khi mà người vẽ không hề tập trung vào việc vẽ.
(Tranh vẽ doodle art mà Hillary Clinton, cựu thư ký của tổng thống Obama trong một buổi họp của các quốc gia)
Doodle art có một cái tên thông dụng hơn, đó là những nét vẽ nguệch ngoạc. Bản chất của doodle art và nguệch ngoạc nhìn chung là giống nhau, đó là những nét vẽ được sinh ra khi bộ não của chúng ta đang không ở trong giai đoạn tập trung. Chúng ta cũng thường sẽ thấy các em học sinh là những người thường sẽ vẽ doodle đơn giản trên giấy nhiều hơn người lớn. Lý giải cho chuyện này, các nhà tâm lý học cho rằng, ở trẻ em việc thiếu đi sự điều phối giữa mắt và tay, khiến cho các nét vẽ trông có vẻ nguệch ngoạc và không được ngay ngắn.
5 lợi ích bất ngờ của hoạt động vẽ doodle đơn giản
Tuy rằng vẽ doodle đơn giản thường xuất hiện ở trẻ em, nhưng người lớn chúng ta đôi khi cũng vẽ doodle art trong vô thức đấy! Trong nhiều trường hợp mà ta thấy chán, không tập trung vào sự việc đang diễn ra, chúng ta có thể vô thức vẽ nguệch ngoạc trên giấy những hình thù có vẻ là không có chủ đề, nhằm làm cho cảm giác chán chường có thể vơi đi phần nào.
Ngược lại với những gì chúng ta đã nghĩ, khoa học đã chỉ ra rằng, việc phân tâm và vẽ doodle đơn giản thực chất mang lại rất nhiều lợi ích tinh thần cho người vẽ. Thậm chí đã từng có những buổi trị liệu tâm lý mà người tham vấn sẽ yêu cầu bệnh nhân của họ vẽ doodle đơn giản. Lợi dụng đặc điểm của doodle art, việc vẽ tranh trong trạng thái lơ đãng có thể tiết lộ nhiều điều về con người chúng ta.
1. Doodle art giúp não bộ giữ trạng thái ý thức
Ở trạng thái thông thường, không thiếu những công việc xung quanh buộc bộ não của con người phải luôn tập trung vào những đầu việc mà chúng ta đang làm. Trong trạng thái đó, bộ não chúng ta phải liên tục hoạt động để đưa ra những mệnh lệnh, điều phối sinh hoạt của con người, nổi bật nhất là việc chúng ta sẽ liên tục phối hợp các giác quan như mắt, tai, mũi, tay chân để thu thập thông tin và xử lý chúng liên tục.
(Vẽ doodle đơn giản cũng là hoạt động giữ não bộ ở trạng thái ý thức tiêu tốn ít năng lượng nhất)
Tuy nhiên, khi bộ não của chúng ta nhận thấy không có việc làm, chúng ta dễ chìm vào trạng thái không hoạt động. Khi này, chúng ta có xu hướng lơ đễnh, mơ màng và không tập trung vào thông tin bên ngoài. Khi ta lơ đễnh, bộ não sẽ đi vào trạng thái vô thức, ảnh hưởng đến trí nhớ tạm thời của ta. Đây chính là lý do vì sao khi học sinh lơ đễnh, các bé có xu hướng giật mình hoặc cuống cuồng đi tìm thông tin bài học ngay khi bộ não lấy lại ý thức chủ động.
Lúc này, vẽ doodle đơn giản trên giấy có thể giúp bộ não chúng ta không rơi vào trạng thái không hoạt động này. Các nét vẽ nguệch ngoạc tiêu tốn ít năng lượng của bộ não hơn, nhưng vẫn giữ được ý thức của bộ não không rơi vào trạng thái vô thức quá đột ngột.
2. Doodle art gợi ý các trạng thái cảm xúc ta đang trải qua
Bạn có biết, khi nhìn vào tác phẩm doodle art của một cá nhân, chúng ta có thể nhận ra các trạng thái cảm xúc họ đã trải qua không?
Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, vẽ nguệch ngoạc hay doodle art cũng được xem như một cách đối phó với căng thẳng tinh thần, như việc mút tay ở trẻ em, hoặc rung đùi và nhấp nhổm mỗi khi chúng ta cảm thấy bồn chồn lo lắng. Trong một nghiên cứu của đại học California, những người tham gia nghiên cứu có xu hướng vẽ lại những hình vẽ nguệch ngoạc khi họ đang buồn, giận dữ hoặc cảm thấy căng thẳng.
Trong các phiên tham vấn tâm lý, các bác sĩ tư vấn cũng có xu hướng để bệnh nhân vẽ doodle đơn giản, cốt lõi là để các bệnh nhân tập trung nhìn nhận vấn đề ở tầng vô thức, từ đó bác sĩ sẽ dễ dàng đánh giá vấn đề của họ.
3. Doodle art cải thiện trí nhớ của con người
Trong bài blog hướng dẫn các phương pháp rèn luyện trí nhớ, tác giả chỉ ra rằng, trí nhớ của con người có thể được lưu giữ lâu hơn nếu chúng ta biết kết nối thông tin với hình vẽ. Những nét vẽ doodle art đơn giản cũng có thể cải thiện trí nhớ của chúng ta, một cách đáng kể.
Nhiều người tin rằng, doodle art giữ bộ não chúng ta ở tầng ý thức, khiến chúng ta vẫn có thể cảm nhận và tiếp thu thông tin từ môi trường. Từ đây, bộ não ta xử lý thông tin và di chuyển các nét vẽ theo một hướng nhất định, phần nào khơi gợi những thông tin ta đã tiếp thu. Lặp lại quá trình này, khi ta nhìn vào những nét vẽ doodle art, ta có thể nhớ lại thông tin ta đã tiếp thu một cách nhanh chóng.
4. Doodle art khiến ta thêm phần sáng tạo
Tiềm thức của bạn là một kho báu bất tận. Bên cạnh một liệu pháp chữa trị, doodle art mang nhiều giá trị hơn khi việc vẽ doodle đơn giản cũng có thể cho chúng ta rất nhiều ý tưởng. Khi vẽ doodle art, chúng ta có thể sẽ liên tục suy nghĩ đến diễn biến tiếp theo của bức tranh, điều này khiến cho việc vẽ doodle đơn giản lại có thể gợi ý những ý tưởng rất thú vị.
Một ví dụ điển hình, tác giả của cuốn tiểu thuyết Tội ác và Trừng phạt, Fyodor Dostoyevsky thường viết và trình bày ý tưởng của mình dưới dạng hình vẽ, song song với các bản thảo nháp mà ông đang sáng tác. Có lẽ việc linh hoạt giữa việc trình bày ý tường bằng cả chữ viết và hình vẽ đã giúp ông liên tục tiếp nối các ý tưởng mà mình có, tạo nên một cuốn tiểu thuyết để đời trong sự nghiệp văn chương của ông.
(Một số bức tranh doodle art của Fyodor Dostoyevsky trong quá trình viết bản thảo Tội Ác và Trừng Phạt)
5. Doodle art là một hình thức giải tỏa căng thẳng hiệu quả
Khi con người đối diện với căng thẳng, chúng ta thường sử dụng các cơ chế đối phó (coping mechanism) để giải quyết các vấn đề khiến cơ thể căng thẳng. Điểm nguy hiểm của cơ chế đối phó chính là việc đôi khi chúng ta có xu hướng sa đà vào những hoạt động gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến thế chất và tinh thần.
Thay vì vậy, hãy thử vẽ doodle đơn giản để giải quyết cảm xúc tiêu cực của mình nhé. Như Twinkl đã chỉ ra bên trên, Doodle art mang lại rất nhiều lợi ích về mặt tinh thần, gợi ý các cảm xúc tiêu cực và các vấn đề tồn đọng mà ta muốn giải quyết. Khi giai đoạn căng thẳng qua đi, ta có thể nhìn lại bức tranh doodle art của mình và nhận thức được các yếu tố gây căng thẳng, từ đó học cách đối phó với chúng một cách tích cực hơn.
(Bên cạnh vẽ doodle art, tô màu theo họa tiết cũng là một cách đối phó với căng thẳng vô cùng hiệu quả)