Truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam thật đáng ngưỡng mộ và trân trọng. Điều này đã được chứng minh và thể hiện qua câu ca dao “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
1. Giải thích câu “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Câu ca dao gợi ra hai loại cây bình dị quen thuộc của nông thôn Việt Nam là bầu và bí. Tuy hai loài cây này khác nhau nhưng lại có môi trường sống giống nhau. Chúng đều thuộc cây thân leo, được người nông dân gieo trồng để leo chung một giàn.
Tác giả mượn hình ảnh bầu và bí để nói đến những con người khác nhau. Những người này “khác giống” - là không giống nhau trong thân phận, tính cách, hoàn cảnh sống. Nhưng họ lại “chung một giàn”, nghĩa là chung sống trong một tập thể, rộng hơn là một đất nước.
Từ đó, có thể thấy rằng ông cha ta mượn chuyện thiên nhiên để khuyên nhủ con cháu rằng dù chúng ta có khác nhau về nguồn gốc, hoàn cảnh hay địa vị xã hội thì vẫn là người Việt Nam, do đó chúng ta cần phải biết yêu thương, đùm bọc, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau. Đây chính là tinh thần đoàn kết.
2. “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” có ý nghĩa gì?
Khi sinh ra, mỗi người đều có mỗi hoàn cảnh sống khác nhau. Chính vì thế, “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” mang đến một thông điệp vô cùng nhân văn và ý nghĩa, đó là sự đùm bọc, sẻ chia, tương thân tương ái là đều vô cùng cần thiết để cuộc sống trở nên tốt đẹp.
Hơn thế, khi chúng ta biết yêu thương, giúp đỡ mọi người, mọi người cũng sẽ hỗ trợ, giúp đỡ lại ta. Sự hỗ trợ của tập thể chính là bệ phóng lớn nhất dẫn tới thành công của mỗi cá nhân.
Thật vậy, sự hỗ trợ qua lại là chất keo kết dính các cá nhân lại với nhau, là sợi chỉ nối dài biết bao thế hệ. Từ sự gắn bó nhỏ giữa người với người, tinh thần đoàn kết sẽ lan tỏa, lớn lên thành sức mạnh của sự thống nhất trong tập thể, là cơ sở của sự phát triển và phát triển bền vững.
Đoàn kết tạo nên sức mạnh, là một điều kiện tiên quyết mang ý chí của sự sống còn, tồn tại và phát triển của một tập thể, một dân tộc. Một người biết đoàn kết là người có trách nhiệm, trách nhiệm ở đây là biết nghĩ cho người khác, cho lợi ích chung của tập thể, và chính bản thân mình. Hơn thế, khi sống vì mọi người là chính bạn đã hình thành cho mình một nhân cách lớn, biết đặt lợi ích cá nhân xuống sau lợi ích cộng đồng.
Nên nhớ, người có tình thương người nhiều nhất là người giàu có nhất. Một trái tim biết yêu thương luôn đem đến những điều tốt đẹp. Chính vì thế, chúng ta đừng sống theo lối sống ích kỷ. Bởi vì nếu mọi người đều sống theo lối sống chỉ biết nghĩ đến bản thân thì xã hội này sẽ lạnh lẽo, không còn hơi ấm tình thương.
Xem thêm: Tinh thần đoàn kết của người Việt thể hiện qua câu ca dao ‘Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao’
3. Ý nghĩa câu “Bầu ơi thương lấy bí cùng” từ quá khứ đến hiện tại
Thực tế chính đã chứng minh ý nghĩa câu tục ngữ “bầu ơi thương lấy bí cùng” vẫn vẹn nguyên từ thời xa xưa cho đến hiện tại.
Chúng ta từ trước đến nay vẫn luôn tự hào về dân tộc Việt Nam luôn có tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân. Ngàn xưa, cha ông chúng ta đoàn kết cùng nhau chống giặc ngoại xâm, bảo vệ được nền độc lập và giữ vững toàn vẹn biên cương Tổ quốc.
Không chỉ xả thân vì đồng đội nơi chiến trường mới là đoàn kết mà trong thời bình có rất nhiều hành động ý nghĩa để chúng ta thể hiện tinh thần của mình. Đến hiện tại, cuộc sống của chúng ta tuy đã tốt đẹp hơn, nhưng tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau vẫn được phát huy.
Đó là những người lính ngày đêm canh giữ biên cương bờ cõi; là những y bác sĩ gồng mình chống dịch; là các chương trình thiện nguyện được tổ chức hằng năm như như áo ấm cho em, hiến máu nhân đạo; là tấm lòng hảo tâm của nhiều mạnh thường quân ủng hộ cho đồng bào miền Trung khi thiên tai, giúp đỡ trẻ em nghèo vùng cao hay người dân vô gia cư.
Xem thêm: Câu tục ngữ ‘Khôn ngoan đối đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau’ dạy chúng ta bài học về tinh thần đoàn kết trong gia đình
4. Những câu ca dao tục ngữ nói về tinh thần đoàn kết tương trợ
Dưới đây là những câu ca dao tục ngữ về sự đoàn kết tương trợ vượt qua khó khăn tương tự như câu “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
- Cả bè hơn cây nứa.
- Góp gió thành bão
- Hợp quần gây sức mạnh.
- Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ.
- Giỏi một người không được, chăm một người không xong.
- Chết cả đống còn hơn sống một người.
- Chung lưng đấu cật.
- Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn.
- Khi rét ta chung một lòng, khi đói ta chung một dạ.
- Khi đói cùng chung một dạ, khi chết cùng chung một lòng.
- Tướng chuộng nhiều quân, dân chuộng nhiều người.
- Dựng nhà cần nhiều người, đánh giặc cần nhiều sức.
- Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.
- Đoàn kết thì sống, chia rẻ thì chết.
- Lá lành đùm lá rách.
- Thương nhau chia củ sắn lùi, bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng.
- Môi hở răng lạnh.
- Con chim khôn cả đàn cùng khôn, con chim dại cả đàn cùng dại.
- Bẻ đũa chẳng bẻ được cả nắm.
- Nhiều tay vỗ nên kêu.
- Dân ta nhớ lấy chữ đồng
- Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh.
- Khôn ngoan đối đáp người ngoài Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.
- Một cây làm chẳng nên non Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
- Nhiễu điều phủ lấy giá gương Người trong một nước phải thương nhau cùng.
“Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.”- câu ca dao nhắc nhở mỗi cá nhân trong tập thể về thái độ sống yêu thương, sống đoàn kết, đặt lợi ích cá nhân xuống sau lợi ích cộng đồng.
Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet