Ngày 21.2.1972, chuyến bay chở Tổng thống Richard Nixon đáp xuống Trung Quốc. Kéo dài từ 21 - 28.2.1972, đây là chuyến công du đầu tiên của một Tổng thống Mỹ đến Trung Quốc, chấm dứt chuỗi 25 năm đứt gãy ngoại giao giữa hai bên.
Trong chuyến đi, Tổng thống Nixon đã gặp nhiều lãnh đạo Trung Quốc như Mao Trạch Đông (Chủ tịch đảng Cộng sản Trung Quốc), Chu Ân Lai (Thủ tướng Trung Quốc)… và đạt nhiều thỏa thuận. Kết thúc chuyến đi, hai bên đưa ra thông cáo chung, còn được gọi là Thông cáo chung Thượng Hải 1972, bao gồm nhiều vấn đề như khu vực Đông Dương (Việt Nam, Campuchia, Lào), bán đảo Triều Tiên, tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan… Trong đó, hai bên đồng thuận việc tiến đến bình thường hóa quan hệ.
Việc Mỹ và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn được cho là đã dẫn đến sự rạn nứt lớn hơn giữa Trung Quốc với Nga, khiến thay đổi cán cân trong Chiến tranh Lạnh. Vì thế, chuyến đi được chính Tổng thống Nixon mô tả là “tuần lễ làm thay đổi thế giới”. Đây cũng là nhận định chung của giới chuyên gia quốc tế.
Theo tài liệu do Cơ quan Văn khố an ninh quốc gia Mỹ và Trường Quan hệ quốc tế Elliott (Đại học George Washington, Mỹ) đã phối hợp giải mật, Tổng thống Nixon từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên (nhậm chức tháng 1.1969) thì đã quan tâm thay đổi quan hệ với Trung Quốc. Điều này, theo quan điểm của ông Nixon là để ít nhất cũng “hạn chế một mối đe dọa hạt nhân tiềm tàng”, đồng thời lợi dụng mối bất hòa giữa Bắc Kinh và Moscow nhằm thay đổi cán cân trong Chiến tranh Lạnh.
Tổng thống Richard Nixon và ông Mao Trạch Đông - Chủ tịch đảng Cộng sản Trung Quốc trong cuộc gặp vào tháng 2.1972
Nhà Trắng
Sau một số nỗ lực không đạt ý muốn, Washington hướng đến trung gian Pakistan vốn là một kênh liên lạc giữa Mỹ với Trung Quốc vào năm 1969. Ngoài ra, Mỹ cũng tính đến giải pháp nhờ chính phủ Romania để liên lạc với Trung Quốc. Tháng 12.1970, Pakistan chuyển đến Washington một thông điệp quan trọng từ ông Chu Ân Lai, Thủ tướng Trung Quốc, về việc muốn đối thoại với Mỹ. Tháng 4.1971, khi đang dự giải tại Nhật Bản thì nhận được lời mời từ Bắc Kinh, đội tuyển bóng bàn Mỹ đã đến Trung Quốc để thi đấu giao hữu. Được gọi là “ngoại giao bóng bàn”, sự kiện vừa nêu đã mở ra bước ngoặt mới trong quan hệ Mỹ - Trung. Từ đó, cả ông Mao Trạch Đông lẫn ông Chu Ân Lai đều phát đi các thông điệp muốn cải thiện quan hệ với Mỹ.
Tháng 7.1971, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger có chuyến công du đến Pakistan. Nhưng thực chất, Pakistan chỉ là “nơi quá cảnh”. Sau khi đến Pakistan, dưới sự trung gian của nước này, ông Kissinger đã có một chuyến bay bí mật đến Bắc Kinh, trở thành quan chức cấp cao đầu tiên của Mỹ đến Trung Quốc kể từ năm 1949. Sứ mệnh được đặt tên mã là “Chiến dịch Marco Polo”.
Trong cuộc gặp được cho là kéo dài từ 4 giờ chiều đến nửa đêm, ông Kissinger và ông Chu Ân Lai đã trao đổi nhiều vấn đề, bao gồm vấn đề chiến tranh Việt Nam, eo biển Đài Loan. Ông Chu còn nhấn mạnh Trung Quốc không có tham vọng trở thành một siêu cường cạnh tranh với Mỹ - như một cách phản hồi việc Tổng thống Nixon trước đó vừa có bài phát biểu dự báo Trung Quốc sẽ trở thành một siêu cường của thế giới.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng gửi đi thông điệp sẵn sàng phối hợp cùng Washington để đối phó với Moscow. Quan trọng hơn là lên lộ trình để bình thường hóa quan hệ và mở đường cho chuyến thăm của Tổng thống Nixon đến Trung Quốc.
Sau chuyến thăm của Tổng thống Nixon, quan hệ Mỹ - Trung không ngừng được tăng cường. Đến năm 1978, hai bên đồng ý bình thường hóa quan hệ hoàn toàn từ ngày 1.1.1979. Trong thông cáo chung về việc thiết lập quan hệ ngoại giao, từ ngày 1.1.1979, Washington đã chuyển sang công nhận ngoại giao đối với Bắc Kinh thay vì Đài Bắc như trước đó. Cuối tháng 1.1979, ông Đặng Tiểu Bình - lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ - đã có chuyến thăm Mỹ, đánh dấu một bước mới trong quan hệ hai nước.
Cú “bắt tay” Mỹ - Trung được đánh giá đã tạo ra thay đổi quan trọng trong cán cân của Chiến tranh Lạnh. Cũng từ đây, ảnh hưởng của Liên Xô ngày một giảm sút rồi đi đến sụp đổ vào năm 1991. Trong khi đó, Trung Quốc từ chỗ một nền kinh tế chậm phát triển đã bứt phá nhanh, đặc biệt là kể từ khi nước này gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001.
Theo tờ Nikkei Asia, ngay từ sớm, ông Kissinger đã phần nào e ngại Bắc Kinh sẽ sẵn sàng cạnh tranh với Washington ngay khi Trung Quốc có đủ tiềm lực về quân sự, kinh tế và ngoại giao.
Thực tế đã diễn ra đúng như vậy, theo chuyên gia Rush Doshi hiện là người tham gia hoạch định chính sách với Trung Quốc trong Hội đồng an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Cụ thể, trong cuốn sách vừa được xuất bản năm 2021, ông Doshi nhận định sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Bắc Kinh nhận thấy Mỹ đang suy yếu và bắt đầu thách thức. Sau khi ông Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng và bất ổn chính trị nội tại bắt đầu căng thẳng tại Mỹ cùng với đại dịch Covid-19 bùng nổ và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đầy tranh cãi vào cuối năm 2020, Bắc Kinh chuyển sang một giai đoạn mới mang tính quyết định, tin rằng Mỹ đang suy sụp không thể cứu vãn.
Suốt những năm qua, Bắc Kinh không ngừng thách thức Washington và hai bên đang cạnh tranh quyết liệt cả về kinh tế lẫn quân sự và ngoại giao. Không những vậy, lịch sử có dấu hiệu lặp lại khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đầu tháng 2 đã công du đến Bắc Kinh và gặp ông Tập Cận Bình - Chủ tịch nước Trung Quốc. Sau cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã đưa ra thông cáo chung với nhiều nội dung nhằm vào Mỹ và phương Tây.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến nhiều người Mỹ đặt câu hỏi phải chăng chính sách của Tổng thống Nixon hồi đầu thập niên 1970 đã tạo ra một Trung Quốc đáng lo ngại như ngày hôm nay. Tờ Nikkei Asia dẫn lời ông Michael Pillsbury, một cựu quan chức quốc phòng Mỹ và có thời gian làm việc về quan hệ giữa hai nước - hiện là Giám đốc chiến lược về Trung Quốc của Viện nghiên cứu Hudson (Mỹ), phải thốt lên: “Nhìn lại, thật đau lòng khi tôi quá cả tin!”.
đồ họa: phúc hải
Cuộc cạnh tranh nhiều mặt
NVCC
Khi Trung Quốc nổi lên như một quốc gia toàn cầu mạnh mẽ, tham vọng của họ ngày càng lớn, và lợi ích của họ đã tách khỏi Mỹ.
Đây không phải là một kết quả tất yếu, bởi Trung Quốc có thể chọn những con đường khác. Washington đã tự đánh giá khá cao về khả năng kiểm soát quá trình định hình chính sách của Bắc Kinh.
Ngày nay, Mỹ và Trung Quốc đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh chiến lược giữa một cường quốc đang lên và một cường quốc lâu nay. Sự cạnh tranh giữa hai bên bao gồm nhiều mặt, mà trong đó tập trung vào kinh tế, quân sự, công nghệ và hệ tư tưởng. Về cơ bản, đó là một cuộc cạnh tranh giữa các hệ thống chính trị để thống trị trật tự quốc tế và kiểm soát toàn cầu.
Bà Bonnie S.Glaser (Giám đốc Chương trình châu Á, Quỹ Marshall Đức tại Mỹ)
Link nội dung: https://sgk.edu.vn/vi-sao-1972-mi-thiet-lap-quan-he-ngoai-giao-voi-trung-quoc-va-lien-xo-a71031.html