Lạm phát tác động trực tiếp tới kim ngạch xuất khẩu. Trong bài này chúng ta cùng phân tích các tác động của lạm phát thấp, vừa phải, cao tới kim ngạch xuất khẩu:
1. Ảnh hưởng của lạm phát thấp đến kim ngạch xuất khẩu
Xuất khẩu đã trở thành một trong những động lực chính cho sự tăng trưởng kinh tế, một cách trực tiếp bởi xuất khẩu là một phần của quá trình sản xuất, một cách gián tiếp khi tái xuất khẩu các sản phẩm, dịch vụ, và nguồn vốn nhập khẩu, và qua đó cũng là các ý tưởng, kiến thức và kỹ thuật mới. Bằng việc khuyến khích sự chuyên môn hóa thông qua lợi thế cạnh tranh, xuất khẩu cao và tăng thúc đẩy sự tăng trưởng ổn định và hiệu quả của nền kinh tế.
Xuất khẩu là một trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng lạm phát. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của lạm phát lên kim ngạch như thế nào thì nghiên cứu của các nhà kinh tế cho ra các kết quả khác nhau và đôi khi trái ngược. Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng giữa lạm phát và kim ngạch xuất khẩu có mối quan hệ phi tuyến tính. Điều này có nghĩa là khi tỷ lệ lạm phát thấp, ảnh hưởng của lạm phát đến kim ngạch xuất khẩu là không rõ rệt, nhưng khi tỷ lệ lạm phát tăng lên đặc biệt là khi lạm phát cao thì nó có tác động tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu. Năm 1998, Bruno và Easterly đã nghiên cứu một số các quốc gia đã trải qua tỷ lệ lạm phát dưới 10%, và kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng lạm phát không có tác động tiêu cực rõ rệt nào đến kim ngạch xuất khẩu. Khi phân tích số liệu trong suốt 40 năm của 140 quốc gia, nghiên cứu của Khan và Senhadji vào năm 2001 cũng đã chỉ ra mối quan hệ phi tuyến tính giữa lạm phát và kim ngạch xuất khẩu. Tỷ lệ lạm phát được phân tích trong nghiên cứu của Khan và Senhadji là 1-3% đối với các nước công nghiệp và dưới 10% đối với các nước đang phát triển.
2. Ảnh hưởng của lạm phát vừa phải đến kim ngạch xuất khẩu
Nhà kinh tế đoạt giải Nobel James Tobin nhận định rằng lạm phát vừa phải sẽ có lợi cho hoạt động xuất khẩu nói riêng và tăng kim ngạch xuất khẩu nói riêng. Ông dùng từ "dầu bôi trơn" để miêu tả tác động tích cực của lạm phát. Mức lạm phát vừa phải có nghĩa là cung tiền tăng không quá nhanh và phù hợp với nhu cầu của thị trường, do đó làm tăng vốn đầu tư cho nền kinh tế, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu đầu tư mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, theo học thuyết của Fisher khi lạm phát ở mức độ vừa phải, cung tiền tăng làm cho lãi suất danh nghĩa sẽ giảm, chi phí đi vay của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu sẽ giảm đi cùng với chi phí thực tế mà các doanh nghiệp phải chịu để mua đầu vào lao động giảm đi. Trong khi đó, lạm phát tăng vừa phải cũng cho phép các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu tăng giá sản phẩm ở mức độ hợp lý để thu được lợi nhuận cao hơn. Đó là những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu gia tăng sản lượng, và kết quả tất yếu là kim ngạch xuất khẩu tăng.
Mặt khác, trong nền kinh tế thị trường, lạm phát vừa phải thì tính dự báo được nâng cao. Điều đó giúp các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu có thể xây dựng được các phương án đầu tư hiệu quả, tập trung đầu tư vào chất lượng sản phẩm, lựa chọn được các thị trường xuất khẩu tối ưu… Đối với các nhà nhập khẩu nước ngoài, khi tỷ lệ lạm phát của nước bạn hàng vừa phải, tức là giá trị đồng tiền và giá cả sản xuất của nước bạn hàng sẽ ổn định tương đối, họ sẽ yên tâm hơn, họ không phải lo cân nhắc các mặt hàng khác để thay thế do giá tăng. Chính vì vậy, nhu cầu nhập khẩu thị trường nước ngoài có thể được gia tăng. Tất cả điều đó đã góp phần thúc làm tăng kim ngạch xuất khẩu.
Các nghiên cứu của các một số nhà kinh tế đối với trường hợp của Hàn Quốc và Hồng Kông đã chỉ ra rằng lạm phát vừa phải (9% và 7%/năm trung bình trong giai đoạn 1985-1994) đã có tác động tích cực làm thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng.
3. Ảnh hưởng của lạm phát cao đến kim ngạch xuất khẩu
Đầu tiên khi phân tích ảnh hưởng của lạm phát cao đến kim ngạch xuất khẩu phải nói rằng, lạm phát cao có quan hệ trái chiều với tỷ giá hối đoái thực cũng như tỷ giá hối đoái danh nghĩa không điều chỉnh ngay lập tức theo mức tăng giá. Chính bởi vậy, lạm phát cao làm cho đồng nội tệ lên giá thực tế so với đồng ngoại tệ, và qua đó không khuyến khích xuất khẩu (Thorvaldur Gylfason (1998), Exports, inflation and growth, University of Iceland)
Ví dụ: Giả sử tỷ giá hối đoái thực R vào đầu năn là 100, và tỷ lệ lạm phát là 10%/năm, vì vậy vào cuối năm tỷ giá hối đoái thực giảm xuống là 100/1.1=90.9. Ngoài ra, giả sử tỷ giá danh nghĩa được điều chỉnh hoàn toàn theo mức tăng của giá cả với độ trễ là một năm để có thể duy trì tỷ giá hối đoái thực R ở 100 vào đầu năm tiếp theo. Điều này có nghĩa là giá trị trung bình của R trong năm là (100 + 90.9)/2 = 95,45. Bây giờ giả định lạm phát tăng 20%, do đó R giảm xuống còn 100/1.2 = 83,3 vào cuối năm, và giá trị R trung bình trong năm là (100 + 83.3)/2 = 91,67, hay đồng tiền nội tệ lên giá thực tế 8,93% so với ngoại tệ. Qua đó chúng ta thấy rằng tỷ giá hối đoái thực có quan hệ ngược chiều với tỷ lệ lạm phát cũng như tỷ giá hối đoái danh nghĩa không thể điều chỉnh ngay lập tức với sự tăng giá
Chúng ta biết rằng tỷ giá hối đoái thực yếu hơn để thúc đẩy tăng trưởng (đi kèm với đó là tỷ giá lạm phát cao), điều này sẽ thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu ròng (xuất khẩu trừ nhập khẩu, hay đó là cán cân thương mại). Nói cách khác, khu vực sản xuất hàng xuất khẩu nhận được sự trợ cấp ngầm từ những chi phí mà các ngành kinh tế khác phải gánh chịu.
Tỷ giá hối đoái thực yếu có xu hướng làm tỷ lệ lạm phát tăng lên do giá cả của những mặt hàng nhập khẩu tính bằng nội tệ tăng lên và tiền lương của người lao động vì thế cũng phải tăng lên. Tuy nhiên, quan điểm phổ biến nhất đó là đồng tiền yếu sẽ hỗ trợ xuất khẩu bởi vì giá cả của các mặt hàng xuất khẩu khi tính bằng đồng ngoại tệ sẽ rẻ hơn, do đó làm tăng khối lượng xuất khẩu.
Theo quan điểm đó khi nội tệ giảm giá, hay khi tỷ giá hối đoái danh nghĩa tăng, sẽ làm tăng khối lượng xuất khẩu và hạn chế khối lượng nhập khẩu. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu không nhất thiết là sẽ tăng, có nghĩa là khi lạm phát tăng đồng nội tệ mất giá nhưng kim ngạch xuất khẩu chưa chắc đã tăng.
Nguyên nhân của điều này là do khi tỷ giá thay đổi sẽ tạo ra hai hiệu ứng là hiệu ứng khối lượng và hiệu ứng giá.
*Hiệu ứng giá:
Khi lạm phát tăng, tỷ giá hối đoái cũng tăng lên hay đồng nội tệ giảm giá, hàng xuất khẩu trở nên rẻ hơn khi tính bằng ngoại tệ và hàng nhập khẩu trở nên đắt hơn khi tính bằng nội tệ. Đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển hàng nhập khẩu đã trở thành nguyên liệu đầu vào chủ chốt của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Thế nên rõ ràng, hiệu ứng giá là nhân tố làm tình trạng xuất khẩu xấu đi.
*Hiệu ứng khối lượng:
Dưới tác động của lạm phát tăng cao, đồng nội tệ sẽ giảm giá, hàng xuất khẩu trở nên rẻ hơn, khi tính bằng ngoại tệ đã khuyến khích nước ngoài nhập khẩu nhiều hơn (khối lượng xuất khẩu tăng), hàng nhập khẩu trở nên đắt hơn khi tính bằng nội tệ đã hạn chế nhu cầu nhập khẩu (khối lượng nhập khẩu giảm). Như vậy, hiệu ứng khối lượng là nhân tố làm tình trạng xuất khẩu được cải thiện.
Tình trạng xuất khẩu được cải thiện hay xấu đi khi tỷ giá thay đổi phụ thuộc vào việc hiệu ứng giá hay hiệu ứng khối lượng trội hơn. Đến lượt nó, tính trội của hiệu ứng giá hay hiệu ứng khối lượng lại phụ thuộc vào độ co dãn của xuất khẩu và nhập khẩu đối với sự thay đổi của tỷ giá., hay gián tiếp là dưới sự ảnh hưởng của lạm phát tăng.
Độ co dãn của xuất khẩu và nhập khẩu được nghiên cứu qua phương pháp tiếp cận hệ số co dãn xuất khẩu và nhập khẩu- Điều kiện Marshall-Lerner. Phương pháp này được xây dựng trên cơ sở 2 giả định như sau:
- Cung hàng hoá xuất khẩu là co dãn hoàn hảo (đường cung nằm ngang), tức là ứng với mọi mức giá nhu cầu về hàng hoá xuất khẩu luôn được thoả mãn.
- Cung hàng hoá nhập khẩu cũng co dãn hoàn hảo, tức là với mọi mức giá nhu cầu hàng hoá nhập khẩu cũng luôn được thoả mãn.
Từ 2 giả định trên có thể rút ra giả thiết là giá cả hàng hoá nội địa và hàng hoá nước ngoài là không thay đổi trước những biến động về cung-cầu hàng hoá xuất nhập khẩu. Do đó, khi lạm phát tăng tác động làm tỷ giá thay đổi, do đó sẽ làm thay đổi tương quan giá cả giữa hàng hoá - dịch vụ trong nước so với nước ngoài, từ đó làm thay đổi khối lượng xuất nhập khẩu.
Chúng ta đã biết kim ngạch xuất nhập khẩu phản ánh giá trị chứ không phản ánh khối lượng nên với giả thiết các yếu tố khác không đổi thì lạm phát tăng làm tỷ giá danh nghĩa tăng mà tỷ giá danh nghĩa tăng làm tỷ giá thực tăng, nghĩa là sức cạnh tranh thương mại quốc tế của hàng hoá xuất khẩu được cải thiện do giá của hàng hoá xuất khẩu quy ngoại tệ giảm. Đồng thời, với việc giá hàng xuất khẩu giảm là giá cả hàng hoá nhập khẩu tăng khi quy về đồng nội tệ. Điều này làm tăng khối lượng xuất khẩu, giảm khối lượng nhập khẩu.
Trong ngắn hạn, khi lạm phát tăng không nhất thiết làm cho kim ngạch xuất khẩu tăng được cải thiện, song về dài hạn chắc chắn kim ngạch xuất khẩu được cải thiện.Tên thực tế kim ngạch xuất khẩu chỉ được cải thiện dưới tác động của lạm phát khi hiệu ứng khối lượng trội hơn hiệu ứng giá cả, tức là điều kiện Marshall-Lerner được thoả mãn:
Qua nhiều công trình nghiên cứu, hầu hết các nhà kinh tế đều thống nhất cho rằng: các hệ số co dãn trong ngắn hạn là thấp hơn trong dài hạn, do đó, điều kiện Marshall-Lerner chỉ có thể duy trì trong dài hạn. Năm 1985, qua khảo sát thực nghiệm Goldstein và Kahn đã đi đến kết luận rằng các hệ số co dãn trong dài hạn (dài hơn 2 năm) có giá trị gần gấp đôi so với hệ số co dãn trong ngắn hạn (0-6 tháng). Ngoài ra, tổng các hệ số co dãn trong ngắn hạn có xu hướng gần tới 1 và tổng các hệ số co dãn trong dài hạn luôn lớn hơn 1.
* Có thể giải thích như sau:
- Trong ngắn hạn, khối lượng xuất khẩu và nhập khẩu ít thay đổi (ít co dãn). Do đó, hiệu ứng giá có tính trội hơn so với hiệu ứng khối lượng và điều này dẫn đến thực tế là: khi lạm phát tăng, đồng nội tệ mất giá, tình trạng xuất khẩu xấu đi trong ngắn hạn
- Sau một thời gian nhất định (từ 6 tháng trở lên): Dưới tác động tăng lạm phát, đồng nội tệ bị mất giá, khối lượng xuất khẩu bắt đầu tăng và khối lượng nhập khẩu bắt đầu giảm, hiệu ứng khối lượng dần trội hơn hiệu ứng giá và tình trạng xuất khẩu được cải thiện.
*Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện tượng khối lượng xuất khẩu và nhập khẩu ít co dãn trong ngắn hạn nhưng co dãn trong dài hạn
- Phản ứng của người sản xuất và người tiêu dùng diễn ra chậm, tức là người sản xuất cần có thời gian nhất định để mở rộng sản xuất, đáp ứng mọi nhu cầu xuất khẩu và người tiêu dùng cũng phải có thời gian để điều chỉnh cơ cấu tiêu dùng
- Thị trường quốc tế cạnh tranh không hoàn hảo đã làm giảm ảnh hưởng của những thay đổi về tỷ giá như việc các tập đoàn độc quyền có thể hạ giá để giữ vững thị trường và cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
- Nhiều hàng hoá nhập khẩu đóng vai trò là đầu vào cho các ngành sản xuất hàng xuất khẩu do vậy khi giá nguyên vật liệu tính bằng nội tệ tăng làm tăng chi phí sản xuất hàng hoá xuất khẩu và vì vậy làm giảm ưu thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu khi lạm phát tăng.
Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng tỷ giá hối đoái không phải là yếu tố duy nhất kết nối lạm phát với kim ngạch xuất khẩu. Tỷ lệ lạm phát cao có thể bóp méo tình trạng sản xuất do đã tách rời thu nhập thực tế với nguồn vốn tài chính. Hơn nữa, lạm phát có thể làm giảm tiết kiệm và chất lượng đầu tư do đã tác động làm giảm lãi suất thực tế, thông thường xuống thấp hơn mức 0%. Ngoài ta, lạm phát cao cũng có thể là biểu hiện của sự quản lý kinh tế chưa chuẩn tắc (ví dụ, cán cân ngân sách thâm hụt kéo dài), các tổ chức không hoàn hảo (như hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính dễ đổ vỡ), và các nhân tố khác (như nền chính trị rối loạn và xung đột trong xã hội) tất cả đã làm cho hoạt động xuất khẩu giảm sút. Lạm phát gia tăng đã làm đình trệ xuất khẩu thông qua một hoặc tất cả các kênh đó.
Lương Thanh Hải
Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc tiến Thương mại - VIOIT
Link nội dung: https://sgk.edu.vn/kim-ngach-xuat-khau-cua-nuoc-ta-tang-nhanh-trong-nhung-nam-gan-day-chu-yeu-la-do-tac-dong-cua-viec-a70050.html