Quê hương đất nước luôn là nguồn cảm hứng phong phú và dạt dào, nuôi dưỡng sáng tác của nhiều nghệ sĩ. Nó là chất liệu cũng như đích đến của văn học bởi trong mỗi tác phẩm, dù ít hay nhiều đều chứa đựng hồn cốt dân tộc.
Bắt đầu sáng tác từ năm 1938, Tế Hanh đã dành cả cuộc đời để tạo nên những vần thơ đẹp đẽ về quê hương. Thoang thoảng trong tác phẩm của ông là hương vị muối biển mặn nồng, cánh cò bay thẳng tắp hay khóm hoa huệ trắng mang bóng hình đất mẹ.
Thi sĩ và tình yêu vô bờ bến với quê hương
Tế Hanh sinh năm 1921 tại một làng chài nhỏ ven sông thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ngay từ nhỏ, Tế Hanh đã sớm bộc lộ năng khiếu cùng sự yêu thích với thơ ca.
Nhà thơ đến với thơ Mới như một điều tất yếu khi sở hữu tài năng thiên bẩm và có cơ hội tiếp xúc với thơ văn lãng mạn Pháp. Năm 1938, ông xuất bản tác phẩm đầu tay là tập thơ Nghẹn ngào.
Với tác phẩm đầu tiên, Tế Hanh nhận nhiều phản hồi tích cực từ phía độc giả và giành giải thưởng của Tự lực văn đoàn vào năm 1939. Chính vì điều này mà ông được ví như “bông hoa nở muộn” trên diễn đàn Thơ mới.
Tế Hanh bước chân vào phong trào Thơ mới bằng một phong cách và giọng điệu riêng, không thể lẫn lộn với bất kì một cây bút nào khác.
Trong lúc nghệ sĩ cùng thời đi vào trường phái thơ siêu thực, siêu hình và in dấu bằng giọng điệu vui, buồn, đau, thương thì Tế Hanh vẫn trung thành với cảm xúc chân tình, nhẹ nhàng chốn quê.
Nhà thơ cống hiến cho nền văn học Việt Nam những tác phẩm phảng phất hương vị quê hương và nỗi buồn man mác, trong trẻo như Lời con đường quê, Những ngày nghỉ học, Chiếc rổ may.
Trong đó, bài thơ Quê hương sở hữu vị trí đặc biệt ở sự nghiệp sáng tác thơ ca của Tế Hanh. Nó là món quà mà thi sĩ gửi tặng cho đất mẹ, là cách ông tri ân vị mặn nồng muối biển, làn da đen rám nắng dân chài lưới.
Bước ngoặt lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã đánh dấu nhiều sự thay đổi trong thơ ca nước nhà, Tế Hanh cũng không phải ngoại lệ. Hồn thơ ông như được thổi thêm sinh khí, tiếp thêm sức mạnh.
Bài thơ viết về quê hương Quảng Ngãi được in lên báo Tiên phong năm 1946 mang một phách điệu khác, biểu đạt nhận thức và cảm xúc mới của tác giả về Cách mạng.
Là nhà thơ miền Nam đi tập kết ra Bắc, những tác phẩm về đề tài thống nhất đất nước, nỗi nhớ quê hương của ông được đánh giá là thành công nhất. Tiêu biểu như Nhớ con sông quê hương, Mặt quê hương, Nói chuyện với sông Hiền Lương, Gửi miền Bắc hay Đi suốt bài ca.
Xuyên suốt những sáng tác của thi sĩ là ý thức trách nhiệm và tình yêu vô tận với quê hương. Sự thiết tha gửi đến đất mẹ đã được nâng lên thành tình yêu Cách mạng, tình yêu Tổ quốc.
Tế Hanh viết với tấm lòng sắc son và luôn khát khao cải tiến nghệ thuật. Đây cũng là điểm mạnh của thơ ông, một hồn thơ giàu tình cảm với giọng điệu tâm tình, thủ thỉ, có sức rung động cao.
Với một thế kỷ sống và sáng tạo, nhà thơ đã để lại cho từng vùng, từng thời điểm của đất nước những tác phẩm sâu sắc về nội dung và thấm đượm tình cảm chân thành.
Phong cách nghệ thuật đặc sắc của thơ Tế Hanh
Phong cách nghệ thuật là dấu ấn riêng cũng như nét độc đáo trong hành trình sáng tạo cao quý của nhà văn. Dù người nghệ sĩ chọn chủ đề gì, anh ta cũng phải thể hiện trong tác phẩm một dấu vân tay riêng biệt, không trộn lẫn với bất kỳ ai khác.
“Thế giới được tạo lập không phải một lần, mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập.” - Marcel Proust bàn về vai trò của phong cách nhà văn
Phong cách không đơn giản là vấn đề về cá tính mà còn thể hiện tài năng văn học, cách người nghệ sĩ nhìn nhận cuộc đời. Nó không phải hiện tượng ngẫu nhiên và thường được xem như quá trình thay đổi tư duy, quan điểm trước khi thống nhất.
Từ những tập thơ đầu tiên, Tế Hanh đã khẳng định phong cách nghệ thuật độc đáo của ông, ấy chính là dòng xúc cảm về quê hương và ngôn từ giản dị, tự nhiên nhưng vẫn giàu hình ảnh gợi cảm.
“Cái hay của Tế Hanh là một cái hay dễ cảm thấy và khó nói. Thơ anh viết dễ dàng, đọc tuồng như không có gì nhưng thực ra có một cái gì đó đi thẳng vào lòng người ta… Đó là tấm lòng chân thành, cảm xúc dồi dào, ý nhị, vốn là một đặc điểm nổi bật trong phong cách thơ Tế Hanh.” - Thiếu Mai cảm nhận về phong cách thơ Tế Hanh trong bài Đường thơ
Không giống như các nhà thơ cùng thời đi tìm cái mạnh mẽ hay sôi nổi, Tế Hanh chọn cho mình một hồn thơ trong trẻo với giọng thơ nhỏ nhẹ cùng ngôn từ bình dị.
“Cuộc hành trình sáng tạo không mệt mỏi của ông đã hơn 60 năm. Ông không gây ấn tượng mạnh mẽ, ồ ạt như nhiều nhà thơ cùng thời nhưng tinh tế, trong trẻo, trung thực, thơ ông thấm dần vào người đọc và cư trú lâu dài trong tâm hồn nhiều lứa tuổi.” - Mã Giang Lân nói về hồn thơ Tế Hanh
Những nét đẹp, nét thơ trong cuộc sống đời thường dễ dàng được tâm hồn tinh nhạy của Tế Hanh nắm bắt, hóa thành lời thơ dạt dào cảm xúc. Hình bóng quê hương luôn chập chờn ẩn hiện trong nhiều sáng tác dù nhà thơ trực tiếp kể tả hay chỉ lướt qua.
Cảm hứng sông và biển trong hồn thơ Tế Hanh
Xuyên suốt toàn bộ sáng tác của Tế Hanh, người đọc sẽ nhiều lần bắt gặp hình ảnh con sông hay sóng biển từ quê nhà. Chúng là biểu tượng quê hương, là nơi mà xúc cảm sáng tác nhà thơ đạt đến độ thăng hoa.
Cho dù viết về sông hay biển, Tế Hanh đều thể hiện tình yêu cùng sự trân trọng vô bờ bến. Chính vì thế, mỗi câu thơ thi sĩ viết ra đều sinh động và đủ sức lay động người đọc.
Sự gắn bó mật thiết với biển cả
Nhà thơ không biết mình yêu biển từ bao giờ, chỉ biết là từ khi sinh ra, cái mặn mòi của muối biển đã thấm vào da dẻ và tâm hồn ông. Chính hương vị ấy chắp cánh cho ngòi bút, nâng đỡ câu thơ bay xa.
“Nơi rất thực và cũng là rất mộng
Của đời tôi yêu biển tự bao giờ
Trong giấc ngủ vẫn nghe tiếng sóng
Như tiếng lòng, giục giã những lời thơ.” - Tiếng sóng
Tế Hanh viết về trời mây, cánh đồng, nhà máy và cánh diều nơi quê hương nhưng ông viết nhiều và viết hay hơn cả về biển. Biển là tình yêu thầm kín của nhà thơ và hiện thân cho nỗi nhớ làng chài đã từng gắn bó thuở nhỏ.
Thi sĩ tự nhận cuộc đời mình gắn với biển, niềm vui hay nỗi buồn của ông đều gắn với từng cơn sóng. Tế Hanh nhớ những gì thân thuộc nhất nơi biển cả quê hương, ấy là cánh chim én và mùa cá chuồn mỗi độ tháng ba.
Viết về biển, thi sĩ không chỉ viết về cảnh vật mà tâm thức và ngòi bút ông còn hướng đến những người thủy thủ, chiến sĩ hải đảo nơi xa xôi.
Với Tế Hanh, họ là những người không tên không tuổi, vẻ ngoài bình thường nhưng lại rất vĩ đại. Họ cống hiến tuổi trẻ cho biển cả, chống chọi với thiên nhiên mà không bao giờ mỏi mệt hay than vãn.
Biển gắn liền với tháng năm kháng chiến, biển là nơi gắn kết hai miền Bắc và Nam. Nhà thơ đã phả vào biển cả một tình yêu Cách mạng, sự đoàn kết dân tộc và niềm tin tương lai chiến thắng.
Tình cảm da diết với con sông quê hương
Tình cảm với những dòng sông quê hương của Tế Hanh cũng thiết tha không kém biển cả. Nơi đó cất giữ kỷ niệm tuổi thơ, cả nỗi nhớ cồn cào khi tác giả phải xa nhà.
Tế Hanh không tách rời con sông khỏi các sự vật khác mà miêu tả nó một cách độc lập. Với nhà thơ, sông không chỉ mang màu nước xanh biếc mà còn chứa đựng cả tiếng chim kêu, cá nhảy.
Sông là nơi sinh hoạt của người dân thuở xưa, là nơi bạn bè gặp mặt, đôi lứa hẹn hò. Nó được ví như một phần không thể thiếu của cuộc sống, tựa linh hồn của làng quê.
Sông gắn bó với tuổi thơ Tế Hanh, trải dài từ những lần lội nước bắt cá, nô đùa cùng đám bạn thời thơ ấu. Đến khi nhà thơ trưởng thành và sống trong lòng miền Bắc, con sông vẫn hiện về trong tâm trí với nỗi nhớ miên man.
“Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến
Nhưng lòng tôi như mưa nguồn, gió biển
Vẫn trở về lưu luyến bên sông
Hình ảnh cô em đôi má ửng hồng…” - Nhớ con sông quê hương
Dù tác giả có lớn lên và đi đâu về đâu, hình ảnh con sông quê vẫn sống mãi trong tâm trí bởi nó là một phần đất nước, là hiện thân của đất mẹ thiêng liêng. Tế Hanh còn ví tình cảm Cách mạng, tình nghĩa Bắc Nam như dòng sông, không gành thác nào có thể ngăn cản.
“Quê hương ơi! lòng tôi cũng như sông
Tình Bắc Nam chung chảy một dòng
Không gành thác nào ngăn cản được…” - Nhớ con sông quê hương
Có thể nói, sông nước chính là quê hương và tình thương nơi đất mẹ trong sáng tác của Tế Hanh. Yêu sông cũng chính là đang gửi gắm cho đất nước một tình yêu kiên cường và thiêng liêng.
Bức chân dung tự họa trong thơ Tế Hanh
Giống như các nhà Thơ mới cùng thời, Tế Hanh nhiều lần thể hiện tâm tư và cảm xúc thông qua bức chân dung tự họa. Ở đó, độc giả như bắt gặp một tâm hồn đa cảm, tinh tế và dễ rung động.
Vào những ngày nghỉ học thuở nhỏ, nhà thơ thường gửi nỗi nhớ buồn thương man mác theo chuyến tàu rời bến. Nỗi buồn ấy không mãnh liệt mà chỉ mang nét u sầu, pha chút trầm tư.
“Những ngày nghỉ học tôi hay tới
Đón chuyến tàu đi đến những ga
Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt
Lòng buồn đau xót nỗi chia xa.” - Những ngày nghỉ học
Sinh ra trong cảnh nước nhà bị chia cắt bởi bom đạn kẻ thù, Tế Hanh đã thấu hiểu sâu sắc nỗi đau mất nước. Bởi vậy mà hơn một lần trong sáng tác của ông, người đọc như bắt gặp cái tôi đầy đau thương.
Tác giả cũng có sự rung động sâu sắc trước cái đẹp của thiên nhiên và tâm hồn con người. Với thi sĩ, cái đẹp hiện diện ở khắp mọi nơi, dù là chốn hang cùng ngõ hẻm hay đời sống phải chiến đấu chật vật trước khó khăn.
Bức chân dung tự họa của nhà thơ còn thể hiện ở phương diện tình cảm và nỗi nhớ nhung lứa đôi. Tế Hanh đã trực tiếp bộc lộ sự bẽn lẽn, rụt rè trước cô gái mình trộm nhớ thương.
“Không có khi nào gặp gỡ em
Mà anh giữ được vẻ điềm nhiên:
Dáng anh bẽn lẽn, lời anh ngượng;
Em thử đôi lần nhớ lại xem!” - Hờ hững
Cái tôi trữ tình trong thơ Tế Hanh vừa mang nét nhẹ nhàng trong trẻo, vừa sôi nổi với đời, với người. Đây cũng chính là cảm xúc và tâm hồn thật, là bức chân dung nhà thơ tự họa mình.
Tế Hanh và hình ảnh làng chài ven biển trong bài thơ Quê hương
Nhắc đến đóng góp của Tế Hanh đối với nền thơ ca nói riêng và văn học nói chung, không thể không nhắc đến bài thơ Quê hương. Tác phẩm được xem là bài thơ hay và xuất sắc nhất trong sự nghiệp nhà thơ.
Viết về quê hương nơi mình chôn rau cắt rốn, Tế Hanh đã viết bằng cả tấm lòng với vốn ngôn từ mộc mạc, giản dị. Bài thơ tuy không quá dài nhưng nó đủ để tái hiện vẻ đẹp của làng chài cũng như nỗi nhớ da diết nơi tâm hồn thi sĩ.
Tác giả không dùng câu từ hoa mỹ để viết về làng chài mà thay vào đó, ông miêu tả sự vật như đúng bản chất của nó, không hề giấu diếm hay che đậy.
“Làng tôi vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.” - Quê hương
Tế Hanh bằng tài năng và sự tinh tế đã chọn thời điểm rất “thơ” để miêu tả sự vật, ấy là một ngày “trời trong gió nhẹ sớm mai hồng”. Chính vì thế, câu thơ ông viết ra đã lập tức đặc tả được vẻ đẹp hiền hòa của trời đất nơi làng chài.
Trong thơ Tế Hanh không chỉ có tĩnh mà còn có cả động. Tầm nhìn nhà thơ dần thu hẹp lại và hướng về chiếc thuyền đang dần vươn mình, chở hi vọng của bà con ra khơi.
Sự liên tưởng độc đáo, phong phú giữa chiếc thuyền và con tuấn mã đem đến cho thơ Tế Hanh một nguồn sinh khí tươi mới, làm nhịp thơ trở nên mạnh mẽ và khỏe khoắn hơn.
Không những vậy, tác giả còn ví von “cánh buồm trương như mảnh hồn làng”. Mảnh hồn làng không chỉ là sức sống, nó còn là văn hóa, là niềm hi vọng và tinh thần đoàn kết của người dân nơi đây.
Mạch thơ có sự liên kết chặt chẽ như mạch truyện, Tế Hanh miêu tả và kể chuyện một cách chi tiết từ khi tàu ra khơi cho đến lúc lúc trở về, mang niềm vui đến cho người dân nơi đây.
Tế Hanh không chỉ yêu cánh buồm quê hương mà ông còn rất thương và quý trọng người dân làng chài. Nhà thơ yêu tinh thần chịu thương chịu khó, trân trọng làn da ngăm vì rám nắng, vị mặn đặc trưng mà biển mẹ ban cho.
“Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.
“Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe”,
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng” - Tế Hanh tả không khí nhộn nhịp lúc đoàn thuyền trở về
Trong mắt nhà thơ, con thuyền cũng có tâm hồn và những dòng suy nghĩ, cũng có lúc mệt mỏi và cần nghỉ ngơi sau mỗi lần lao động vất vả. Nó biết cảm nhận vị mặn của muối biển thấm dần vào thớ vỏ, ngẫm nghĩ về những lần ra khơi vượt sóng cả muôn trùng.
Có thể thấy, Tế Hanh là một người nghệ sĩ rất tinh tế và nhạy cảm, tầm mắt của ông không chỉ dừng ở con người mà còn nằm ở từng sự vật nơi quê hương. Chính vì thế, mỗi câu thơ thi sĩ viết ra đều thấm đẫm và dạt dào chất quê, hồn quê.
Mạch thơ đi từ quá khứ đến hiện tại, từ tình yêu đến nỗi nhớ quê hương của người con xa nhà. Nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi, con thuyền, cả mùi nồng mặn đặc trưng biển cả đều làm trái tim tác giả thao thức và nhớ thương da diết.
Đến cuối bài, sự nhớ nhung quê hương của Tế Hanh trào dâng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nó thấm vào trong từng ý và lời thơ. Có thể nói, quê hương nói chung và làng chài lưới nói riêng chính là nguồn cảm hứng bất tận trong sáng tác nhà thơ.
Tế Hanh và những điểm sáng nghệ thuật
Làm nên tên tuổi của Tế Hanh không chỉ là những dòng thơ dồi dào xúc cảm, bộc lộ sự gắn bó đến tha thiết với quê nhà mà còn phải kể đến các đặc sắc nghệ thuật được nhà thơ khéo léo phô bày qua từng câu chữ.
Thơ Tế Hanh rất giàu giọng điệu, mỗi tác phẩm khác nhau lại mang trong mình một giọng thơ riêng, lúc thì mộc mạc chân tình, lúc thì suy tư triết lý. Đặc biệt khi viết về thời gian, người đọc thường bắt gặp một người thi sĩ với dáng vẻ trầm ngâm, trăn trở.
Nhà thơ của quê hương và xóm làng còn rất chú ý trong việc tạo lập cấu tứ thơ. Đã hơn một lần thi sĩ vận dụng cấu tứ theo lối tăng tiến và gợi mở, diễn đạt những tình cảm và trăn trở trong lòng về lẽ sống và cuộc đời.
Hơn nữa, ông còn là bậc thầy trong việc vận dụng các thủ pháp nghệ thuật, gợi mở cho độc giả biết bao suy nghĩ và liên tưởng. Các biện pháp tu từ quen thuộc được tác giả sử dụng, tuy âm vang nhẹ nhàng nhưng khiến người đọc phải lưu luyến.
Tế Hanh là một người nghệ sĩ suốt đời gắn bó với quê hương và làng xóm. Ông đã cống hiến cả đời cho nghệ thuật, tôn vinh những giá trị nơi làng quê để nhắc người sau về cội nguồn dân tộc.
Hạ Nhiên