Trẻ đau đầu buồn nôn có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như ngộ độc, viêm màng não, viêm não,… Do đó, khi trẻ có dấu hiệu này, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và can thiệp kịp thời.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng - Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Trẻ đau đầu buồn nôn là gì?
Đau đầu là tình trạng đau nhức ở một khu vực nhất định trên đầu hoặc toàn bộ vùng đầu. Mức độ cơn đau đầu của mỗi trẻ cũng sẽ khác nhau nhưng phần lớn sẽ không quá nghiêm trọng. (1)
Buồn nôn là tình trạng khó chịu ở vùng bụng, dạ dày khiến người bệnh liên tục có cảm giác muốn nôn ra. Khi trẻ bị đau đầu và buồn nôn cùng lúc và càng ngày càng trở nên nặng nề hơn, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được hỗ trợ càng sớm càng tốt.
Nguyên nhân trẻ đau đầu buồn nôn
Trẻ bị đau đầu buồn nôn có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số nguyên nhân khiến trẻ gặp phải tình trạng này gồm:
1. Trẻ bị đau đầu buồn nôn do ngộ độc thực phẩm
Trẻ đau đầu buồn nôn sau bữa ăn có thể là do ngộ độc thực phẩm. Điều này có thể bắt nguồn từ việc sử dụng các thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh, thức ăn ôi thiu hay không rõ nguồn gốc. Khi bị ngộ độc thực phẩm, trẻ thường có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, sốt nhẹ, đau bụng, chuột rút, tiêu chảy, suy nhược, chán ăn, thậm chí, nguy hiểm hơn là các dấu hiệu mất nước, thần kinh.
Bên cạnh đó, nitrat, một loại chất bảo quản thực phẩm được tìm thấy trong các loại thịt chế biến sẵn như thịt xông khói, xúc xích hay các chất phụ gia có trong bột ngọt cũng có thể khiến trẻ bị đau đầu. Trẻ uống nhiều nước ngọt, soda,… cũng có thể bị đau đầu. Do đó, bố mẹ nên cho trẻ ăn các loại thức ăn lành mạnh, có nguồn gốc, thành phần rõ ràng.
Ngộ độc thực phẩm ở trẻ thường sẽ cải thiện sau một vài ngày khi được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ cần có sự hỗ trợ của thuốc kháng sinh để cải thiện sức khỏe, ví dụ như ngộ độc thực phẩm do khuẩn Listeria.

2. Viêm đường hô hấp, cảm lạnh
Các bệnh viêm đường hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm, viêm xoang,… là nguyên nhân gây đau đầu buồn nôn phổ biến ở trẻ. Sốt là biểu hiện điển hình khi trẻ mắc các bệnh này, bố mẹ cần theo dõi thân nhiệt của trẻ để có can thiệp kịp thời, phòng trừ trường hợp bệnh trở nặng, gây biến chứng. Một số triệu chứng thường gặp khác như ho (ho khan, ho có đờm), sổ mũi, đau họng, ngứa họng, ngứa tai,…
3. Viêm màng não vô khuẩn hoặc do virus ở trẻ em
Trẻ bị viêm màng não cũng có biểu hiện đau đầu, buồn nôn. Bên cạnh đó, bệnh còn gây nên một số triệu chứng như sốt, cứng cổ, chán ăn, nhạy cảm với ánh sáng, lú lẫn, mệt mỏi, phát ban, có xu hướng muốn ngủ nhiều hơn. Viêm màng não do vi khuẩn thường xuất hiện sau khi trẻ tiếp xúc với mầm bệnh 3 - 7 ngày, sau khi bị cảm lạnh, tiêu chảy hay mắc các nhiễm trùng khác. Đối với viêm màng não vô khuẩn, bệnh có thể khỏi sau 5 - 14 ngày nếu được chăm sóc đúng cách.
Viêm màng não là một bệnh lý nguy hiểm, có thể khiến trẻ co giật, đột quỵ và đe dọa tử vong ở trẻ. Do đó, khi trẻ có các dấu hiệu viêm màng não hoặc nghi ngờ trẻ mắc bệnh này, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
4. Viêm não
Đau đầu, buồn nôn cũng là triệu chứng thường gặp của viêm não. Đây là một bệnh lý nguy hiểm có thể được gây ra bởi sự xâm nhập của virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng hay do một số loại thuốc, bệnh lý khác. Trẻ mắc bệnh cần được cấp cứu kịp thời nhằm hạn chế các biến chứng và di chứng nguy hiểm do viêm não gây ra.
Một số triệu chứng khác khi trẻ bị viêm não gồm: sốt, buồn ngủ, cứng khớp, mệt mỏi, yếu cơ, lú lẫn, nhạy cảm với ánh sáng, khó nói chuyện, khó di chuyển, xuất hiện co giật, mất ý thức, hôn mê. Trẻ sơ sinh bị viêm não có thể có biểu hiện thóp phồng, cáu kỉnh, quấy khóc bất thường hoặc ngủ gà, bỏ bú.
5. Nhiễm độc chì
Nhiễm độc chì là tình trạng chì tích tụ quá nhiều trong cơ thể. Quá trình này có thể bắt đầu từ nhiều tháng, nhiều năm trước. Chỉ với một lượng chì nhỏ bên trong cơ thể, trẻ cũng có thể đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Nghiên cứu cho thấy chì có thể làm hỏng hầu hết các cơ quan của cơ thể, đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất, trí não và tinh thần. Trẻ dưới 6 tuổi có nguy cơ nhiễm độc chì cao hơn bởi hệ thần kinh của chúng rất nhạy cảm với chì. Một số dấu hiệu nhiễm độc chì: Đau bụng, buồn nôn, nôn, táo bón, chán ăn, kém tăng trưởng, chuột rút, đau khớp, yếu cơ, đau đầu, mệt mỏi, dễ cáu kỉnh, da tái nhợt, thiếu máu, khó ngủ, hôn mê, xuất hiện co giật.
6. Ngộ độc carbon monoxide
Carbon monoxide (CO) là một loại khí không màu, không mùi, không vị được tạo ra từ quá trình đốt cháy không hoàn toàn nhiên liệu có chứa carbon (gỗ, than củi, xăng, than đá,…). Ngộ độc carbon monoxide là tình trạng cơ thể hít phải khí CO làm suy giảm khả năng vận chuyển oxy của máu, dẫn đến sự thiếu hụt oxy trong tế bào và các cơ quan như não, tim.
Các triệu chứng khi trẻ ngộ độc carbon monoxide khá giống với bệnh cúm và có thể được cải thiện khi trẻ được di chuyển ra khỏi khu vực nhiều CO. Một số triệu chứng khi trẻ bị ngộ độc CO: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, hụt hơi, tức ngực, tăng nhịp tim, mất thính giác, mất phương hướng, mờ mắt.
7. Chấn thương đầu khiến trẻ bị đau đầu, buồn nôn
Trẻ hiếu động, chạy nhảy nhiều nên dễ bị ngã hơn người lớn. Điều này có thể gây nên các vết sưng, bầm tím ở vùng đầu khiến trẻ bị đau đầu. Tuy nhiên, các chấn thương này thường diễn ra ở mức độ nhẹ, không gây nguy hiểm nhưng nếu trẻ bị ngã, va đập mạnh vào vùng đầu thì bố mẹ tuyệt đối không nên chủ quan, đặc biệt, khi trẻ đau đầu buồn nôn kèm theo biểu hiện lừ đừ, mệt mỏi,… Đây là dấu hiệu của chấn thương vùng đầu nghiêm trọng, cần được đưa đến bệnh viện khám và hỗ trợ điều trị càng sớm càng tốt.

8. Trẻ bị đau đầu, buồn nôn do chứng đau nửa đầu
Đau đầu buồn nôn là một trong những triệu chứng điển hình của chứng đau nửa đầu. Đây là một trong những hội chứng thường được gây ra bởi yếu tố di truyền. Các triệu chứng thường gặp của chứng đau nửa đầu gồm:
- Nhói hoặc đau đầu
- Cơn đau trở nên nặng hơn khi vận động
- Da tái nhợt
- Đau bụng
- Buồn nôn, nôn
- Nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh.
9. Yếu tố tâm lý
Cảm giác áp lực, căng thẳng do các vấn đề học tập, các mối quan hệ cha mẹ, thầy cô, bạn bè cũng có thể khiến trẻ rơi vào tình trạng đau đầu buồn nôn. Tình trạng này kéo theo các cảm giác buồn bã, cô đơn và có thể khiến trẻ bị trầm cảm. Do đó, bố mẹ nên chú ý đến cảm xúc của trẻ nhằm phát hiện sớm chứng đau đầu buồn nôn khi căng thẳng, từ đó giảm nguy cơ trầm cảm hay hạn chế các ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tâm lý và sự phát triển của trẻ.
Cách chăm sóc trẻ bị đau đầu buồn nôn
Trẻ bị đau đầu buồn nôn, tốt nhất, nên được đưa đến gặp bác sĩ để được thăm khám và hỗ trợ điều trị đau đầu cho trẻ càng sớm càng tốt. Đối với các trường hợp tình trạng này diễn ra ở mức độ nhẹ, bố mẹ có thể giúp trẻ cải thiện chúng bằng một số cách dưới đây:
- Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn, trong không gian yên tĩnh, thoáng mát, ánh sáng vừa phải, phù hợp.
- Chườm khăn mát lên trán, cổ hoặc mắt của trẻ khi ngủ.
- Cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày, ăn thực phẩm lành mạnh, đảm bảo an toàn vệ sinh.
- Tránh để trẻ áp lực, căng thẳng, thường xuyên trò chuyện, tạo cảm giác thoải mái cho trẻ.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ về một số loại thuốc có thể dùng tại nhà với liều lượng phù hợp để cải thiện các triệu chứng của trẻ.
- Hạn chế cho trẻ vận động mạnh.
Đau đầu buồn nôn có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng. Do đó, nếu trẻ không có dấu hiệu cải thiện sau khi thực hiện các phương pháp trên, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám ngay lập tức.
Khi nào nên đưa trẻ đến cơ sở y tế?
Nếu tình trạng sức khỏe của trẻ trở nên nghiêm trọng, nguy cơ xuất hiện biến chứng cao, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời:
- Trẻ bị đau đầu, buồn nôn, nói lắp.
- Gia đình có tiền sử mắc bệnh thần kinh.
- Cường độ cơn đau ngày một dữ dội hơn, tần suất cao hơn (trên 3 lần/tuần).
- Trẻ lờ đờ, mệt mỏi, có xu hướng muốn ngủ nhiều hơn.
- Nhịp tim, nhịp thở, huyết áp tăng hoặc không đều.
- Thân nhiệt tăng cao.
- Trẻ thấy đau khi vận động.
- Trẻ bị mất thăng bằng, thị lực kém, mất sức.
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc và những vấn đề sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:
Tùy thuộc vào nguyên nhân khiến trẻ đau đầu buồn nôn, bác sĩ sẽ hướng dẫn điều trị phù hợp. Việc phát hiện và can thiệp sớm đóng vai trò quan trọng đối với quá trình điều trị và hồi phục sức khỏe của trẻ, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, nhất là các trường hợp đau đầu buồn nôn do các bệnh lý nguy hiểm.