(Viết ngày 10.09.2014)
Hôm nay tôi ra khỏi nhà lúc bảy giờ mười hai phút sáng. Mỗi tuần chỉ có hai ba ngày tôi phải ra ngoài sớm như vậy vì thật lòng mà nói, tôi không ưa dậy sớm nhất là vào lúc thời tiết ẩm ương đang chuyển từ “hè” mùa sang đông lạnh lẽo. Bất chấp ánh nắng nhẹ tênh và mờ đục như đang chiếu qua khung cửa sổ buông rèm trắng, cái không khí đặc quánh bởi những tàn dư của sương đêm chạm vào từng lỗ chân lông khiến tôi cảm nhận được mùa đông, mùa ẩm ướt đã thực sự đến sát bên mình. Mùa đông thứ bảy của tôi ở nước Đức. Hay tám? Chẳng quan trọng, dù có là năm nào thì mùa đông châu Âu cũng vẫn không hề dễ chịu - nỗi niềm than phiền của những kẻ rửng mỡ sống ở thế giới thứ nhất.
Bầu trời lúc này xám xịt một màu như thể có ai quẹt một đường sơn xám rẻ tiền thẳng băng lên trên đó. Phẳng lì. Không hình khối. Cái thứ màu xám đục vô hồn mà dù ta có nhìn vào nó bao lâu cũng không nghĩ ra nổi một thứ xúc cảm tích cực nào. Nhưng nói chung tôi cũng không có gì để phàn nàn về thời tiết của thành phố này. Chẳng phải quá đặc sắc gì nhưng ít nhất nó không đáng sợ như cái nơi trong bài viết này. Hơn nữa mọi thứ có thể đoán trước, mưa nắng gió chẳng g tùy tiện đột nhiên đến rồi lại đi một cách đáng ghét.

Tôi nghĩ đến mưa và những cảm xúc mà nó có khả năng khuấy động lòng người. Một người bạn của tôi mỗi khi trời mưa chỉ thích ở nhà làm việc gì đấy thật lãng mạn với một ai đó đặc biệt. Có người lại thích lao đầu vào nấu gì ấm nóng cho gia đình dù bình thường chẳng quá mặn mà bếp núc. Bản thân tôi thích bật Nocturnes của Chopin dưới phím đàn của Claudio Arrau rồi nằm đọc sách hoặc xem phim cổ khi trời mưa, tận hưởng sự lười biếng - vào nhiều thời điểm (nhất là vào lúc hiện tại - 1,5 năm sau khi viết những dòng này) thì đây quả là một sự xa hoa hiếm thấy. Nnhiều người khác thì thấy buồn vô cớ khi mưa. Tôi chỉ thấy buồn giống mưa một điểm chung rõ ràng nhất: một khi đã mưa thì hãy cứ để nó mưa. Hết mưa trời sẽ tạnh, trong khoảng thời gian đấy ta có làm gì cũng vô ích. Dù sao thì với tôi mưa một hai ngày cũng không sao, nhưng mưa quanh năm ngày tháng như trút nước ở ngôi làng Mawsynram thì thật khó tưởng tượng nổi nó sẽ tác động như nào đến con người. Dĩ nhiên khía cạnh khoa học thời tiết lúc nào cũng rất thú vị rồi, nhưng tôi cũng khá quan tâm tới yếu tố tâm lý con người khi sống trong những môi trường mà tinh thần bị thử thách cực hạn như vậy.
Tại sao trời mưa lại có thể làm chúng ta buồn được nhỉ?

Tôi từng đọc có một nghiên cứu tâm lý khoa học về 43 người được yêu cầu ghi chép nhật ký tỉ mỉ về giấc ngủ của họ trong 105 ngày. Sau khi kiểm tra chéo với số liệu thời tiết 105 ngày ấy, các nhà khoa học đã rút ra kết luận rằng thời tiết càng đẹp (tức là áp suất khí quyển càng cao) thì người ta càng ngủ ngon giấc và ít cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ hơn. Ngoài ra những ngày mưa âm u, sự thiếu vắng ánh sáng mặt trời cũng làm giảm serotonin tiết ra trong não.
Trích nguồn nào đó chẳng nhớ: “Serotonin là một chất được sản sinh ra trong não giúp điều tiết chỉ số cảm xúc cho mỗi người. Thân nhiệt, giấc ngủ, sự giận dữ, thèm ăn lẫn những ham muốn khác đều bị lệ thuộc vào chất dẫn truyền thần kinh này. Một nhóm chuyên gia cho rằng serotonin trong não có khả năng giữ cho cảm giác thăng bằng và thư giãn. Cũng theo một nguồn nghiên cứu khác, khi mức serotonin bị hạ thấp hoặc mất đi, con người sẽ phải lần lượt chịu đựng những cấp độ cảm xúc từ bực bội, lo âu rồi đến trầm cảm.”
Những người bị trầm cảm theo mùa thường bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi serotonin nặng hơn những người bình thường khác. Nghe cũng hợp lý phải không?

Hẳn là có tác động về sinh lý thật nhưng tôi nghĩ những điều trên cũng chỉ đúng một phần vì nếu ta đổ tại tất cả do yếu tố khách quan thì những người dân sống ở làng Mawsynram này phải có cuộc đời buồn bã, trầm cảm kinh khủng lắm. Gì thì gì họ cũng chịu mưa gấp 10-20 lần người khác cơ mà. Nhưng chẳng có báo cáo nào về sự bất thường này, họ vẫn sống lành mạnh và bình thường như bao ngôi làng trên thế giới khác.
Hiện thực đôi khi chẳng thật và ảo giác không ảo như ta vốn nghĩ - tất cả những gì chúng ta nhận thức được từ thế giới bên ngoài đều chỉ là những xung điện thần kinh, ta muốn nghĩ gì thì nó sẽ trở thành hiện thực. Đôi khi cái đau buồn ta cảm nhận chỉ là những tín hiệu truyền đến một trung khu não bộ nhất định chứ chẳng có ý nghĩa gì, và đó là lúc ta phải dựa vào bản năng để vượt qua những cảm xúc tự cảm ấy. Nhưng cái bản năng loài người không vẩn đục thuở nguyên sơ đã bị bào mòn và đẽo gọt cho phù hợp với những nền văn minh mỗi thời kỳ đã mất lâu rồi. Ví dụ thế kỷ XXI chúng ta phải đi làm thứ Hai nên sẽ có nỗi buồn Chủ nhật, nhưng giả sử sau một trăm năm nữa khoa học phát triển, con người chỉ phải đi làm ba/bốn ngày một tuần từ thứ Ba đến thứ Năm/Sáu thì lúc đấy sẽ chẳng còn tồn tại nỗi buồn chiều Chủ nhật nữa mà chuyển thành nỗi buồn chiều thứ Hai!

Nhiếp ảnh gia Amos Chapple một lần nữa mang đến cho chúng ta những hình ảnh độc đáo từ khắp mọi nơi trên trái đất. Và lần này là ngôi làng ẩm ướt nhất thế giới - một vũ trụ rất riêng của người Khasi với những quy tắc và luật lệ của riêng họ để có thể tồn tại và sống còn ở cái nơi như ở bên rìa thế giới này. Những chiếc ô Knups từ tre không cần dùng tay, cửa kính trong nhà cách âm nếu không muốn bị suy giảm thính lực do nghe tiếng mưa sau một thời gian dài, những cây cầu giữa rừng già làm từ rễ cây cao su để tránh mục nát dưới độ ẩm cao khủng khiếp của gió mùa, những mái nhà thường xuyên phải sửa chữa và đắp thêm những đống cỏ dày để giảm tiếng ồn… Họ vẫn lạc quan tếu rằng ở đây có hai mùa: mùa mưa và mùa sửa mái nhà.
Có thể cách đây 30 năm cuộc sống ở Mawsynram thật sự là một cơn ác mộng tưởng không bao giờ chấm hết khi không có đường xá, điện nước và nhiều thứ khác. Nhưng rồi thời gian đã thay đổi tất cả, những người dân ở đây giờ đa phần đều sống vui vẻ, yêu nơi này và không có ý định chuyển đi nơi khác. Vì mưa cũng như nỗi buồn, một khi nó đã xảy ra thì làm gì cũng vô ích. Chấp nhận nó như một phần của cơ thể mình rồi mưa sẽ tạnh, trời lại trở nên bình yên.














Người Khasi buộc rễ non và điều hướng để chúng mọc thành hình một cây cầu hoàn chỉnh theo năm tháng.