Trái tim của cơ thể người có bốn buồng tim. Hai khoang ở phía trên là tâm nhĩ trái và tâm nhĩ phải; hai khoang bên dưới là tâm thất trái và tâm thất phải. Trong bài viết dưới đây sẽ làm rõ về cấu trúc, chức năng cũng như các vấn đề bệnh lý liên quan đến tâm nhĩ.
Tâm nhĩ là gì?
Tâm nhĩ được chia thành tâm nhĩ trái và tâm nhĩ phải, là hai buồng ở phần trên cùng của trái tim. Chức năng chính của tâm nhĩ trái là tiếp nhận máu giàu oxy từ phổi, trong khi tâm nhĩ phải nhận máu đã qua sử dụng từ tĩnh mạch chính của cơ thể. Trong chu kỳ co giãn của trái tim, tâm nhĩ giãn ra để chứa máu và sau đó co lại, đẩy máu xuống tâm thất.
Cấu trúc của trái tim được phân chia bởi vách ngăn tâm nhĩ giữa hai tâm nhĩ và vách ngăn nhĩ thất giữa tâm nhĩ và tâm thất tương ứng. Các van tim đặt tại vách ngăn nhĩ thất đóng vai trò quan trọng trong việc điều hướng dòng máu từ tâm nhĩ xuống tâm thất và đảm bảo máu chảy một chiều, ngăn chặn sự chảy ngược không mong muốn trong khi tim co bóp. (1)
Chức năng của tâm nhĩ đối với quả tim người
Mỗi tâm nhĩ có ba chức năng chính nhằm đảm bảo rằng trái tim luôn hoạt động hiệu quả, đưa máu đến mọi ngóc ngách của cơ thể bao gồm:
- Nhận máu;
- Bơm máu một cách thụ động vào tâm thất khi trái tim ở trạng thái nghỉ ngơi;
- Tích cực bơm máu trong giai đoạn cuối của chu kỳ. (2)
Tâm nhĩ đóng một vai trò then chốt trong việc duy trì sự lưu thông máu liên tục và hiệu quả trong cơ thể, nhờ vào bốn đặc điểm thiết yếu:
- Không có van vào tâm nhĩ: Điều này giúp tránh làm gián đoạn dòng máu. Không có bất kỳ cấu trúc nào cản trở máu từ các tĩnh mạch lớn chảy vào tâm nhĩ, đảm bảo sự chảy máu liên tục trong suốt chu kỳ tim;
- Co bóp không hoàn toàn của tâm nhĩ: Tâm nhĩ không bao giờ co bóp đến mức hoàn toàn chặn dòng máu. Ngay cả trong thời kỳ tâm thu, khi tâm nhĩ đẩy máu xuống tâm thất, máu vẫn tiếp tục chảy từ các tĩnh mạch vào tâm nhĩ, đảm bảo không có sự gián đoạn nào trong việc cung cấp máu;
- Co thắt nhẹ nhàng của tâm nhĩ: Các cơn co thắt của tâm nhĩ phải đủ nhẹ nhàng để không gây áp lực ngược đáng kể lên các tĩnh mạch, giúp duy trì sự lưu thông máu mượt mà và không bị cản trở;
- Thời điểm thư giãn chính xác của tâm nhĩ: Việc tâm nhĩ thư giãn đúng lúc, ngay trước khi tâm thất bắt đầu co bóp là rất quan trọng. Điều này cho phép tâm nhĩ tiếp nhận máu từ các tĩnh mạch một cách hiệu quả, đảm bảo sự liên tục trong chu trình máu của tim.
Giải phẫu cấu trúc tâm nhĩ bên trong trái tim
1. Vị trí tâm nhĩ nằm ở đâu?
Tâm nhĩ trái nằm phía sau tâm nhĩ phải, vì tâm nhĩ phải chiếm phần lớn phần trên của bề mặt xương ức của tim. Tâm nhĩ trái nằm giữa đốt cột sống ngực thứ 5 đến thứ 8 nếu người nằm ngửa (nằm phẳng) hoặc đốt sống thứ 6 đến thứ 9 ở người đang đứng thẳng. Mặt bên của tâm nhĩ phải tiếp giáp với bề mặt trung thất của phổi phải. (3)
2. Tâm nhĩ hoạt động như thế nào?
Trong khi tâm thất co và van nhĩ thất đóng, máu vẫn liên tục chảy từ tĩnh mạch chủ bên phải và tĩnh mạch phổi ở bên trái để đổ đầy tâm nhĩ. Trong giai đoạn này, tâm nhĩ đóng vai trò là nơi chứa máu tạm thời.
Khi tâm thất ngừng co bóp và áp suất trong tâm nhĩ vượt qua áp suất trong tâm thất, van nhĩ thất mở ra và máu đi vào tâm thất. Giai đoạn đổ đầy tâm thất thụ động này chiếm khoảng 80% thể tích tâm thất khi bắt đầu tâm thu.
Khi quá trình tái cực hoàn tất, nút xoang sẽ bắt đầu điện thế hoạt động cần thiết để tạo ra sự co bóp của tâm nhĩ. Cả hai tâm nhĩ co đồng thời và 20% thể tích tâm thất còn lại được bơm tích cực vào tâm thất.
3. Cấu tạo của tâm nhĩ
Tâm nhĩ bao gồm tâm nhĩ trái và tâm nhĩ phải, được ngăn cách với nhau bởi vách ngăn tâm nhĩ.
Tâm nhĩ trái
Mặc dù lượng máu có thể chứa nhỏ hơn nhưng tâm nhĩ trái có thành cơ tim dày hơn so với tâm nhĩ phải. Tâm nhĩ trái nhận máu giàu oxy từ tĩnh mạch phổi trái và phải, máu được bơm đến tâm thất trái thông qua van hai lá để bơm ra ngoài qua động mạch chủ để tuần hoàn hệ thống.
Tâm nhĩ phải
Tâm nhĩ phải nhận và giữ máu đã khử oxy từ tĩnh mạch chủ trên, tĩnh mạch chủ dưới, tĩnh mạch tim trước, tĩnh mạch tim nhỏ nhất và xoang vành, sau đó đưa máu xuống tâm thất phải qua van ba lá, sau đó đưa máu đến tâm nhĩ phải, động mạch phổi để tuần hoàn phổi.
Vách ngăn tâm nhĩ
Vách ngăn tâm nhĩ là tường ngăn cách giữa tâm nhĩ trái và tâm nhĩ phải. Vách liên nhĩ có một lỗ ở tâm nhĩ phải, lỗ bầu dục, giúp dẫn vào tâm nhĩ trái, rất cần thiết cho sự lưu thông máu của thai nhi. Khi trẻ chào đời và hít hơi thở đầu tiên, lưu lượng máu của thai nhi sẽ bị đảo ngược để đi qua phổi. Lỗ bầu dục không còn cần thiết nữa và nó đóng lại để lại một chỗ lõm trên thành tâm nhĩ.
Hình ảnh tâm nhĩ

Các bệnh lý liên quan ở tâm nhĩ thường gặp
Các bất thường của tâm nhĩ làm gián đoạn hoạt động bơm máu của tim, khiến lưu lượng máu đưa đến các bộ phận khác trong cơ thể bị ảnh hưởng. Một số bệnh lý liên quan đến tâm nhĩ thường gặp bao gồm:
1. Rung nhĩ
Rung nhĩ là bệnh lý về rối loạn nhịp tim thường gặp nhất, đặc biệt là ở người cao tuổi. Trong rung nhĩ, tâm nhĩ co bóp nhanh và hỗn loạn, không đều, khiến máu bị ứ đọng lại trong tâm nhĩ, tạo điều kiện hình thành cục máu đông trong tim. Huyết khối di chuyển theo các mạch máu đến não hoặc những cơ quan khác gây đột quỵ và tắc mạch máu cấp ở các bộ phận khác trong cơ thể. (4)
Nhiều trường hợp bệnh nhân bị rung nhĩ không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất mơ hồ, nên bệnh chỉ thường được phát hiện khi thăm khám sức khỏe định kỳ. Một số triệu chứng có thể gặp phải bao gồm:
- Hồi hộp;
- Đánh trống ngực;
- Hụt hơi;
- Lệch nhịp hoặc nhịp tim không đều;
- Tức ngực;
- Khó thở;
- Chóng mặt;
- Giảm khả năng khi hoạt động gắng sức.
Rung nhĩ kéo dài sẽ làm:
- Tăng nguy cơ suy tim;
- Làm nặng thêm tình trạng các bệnh lý tim mạch khác;
- Thậm chí có thể gây tử vong.
2. Cuồng nhĩ
Cuồng nhĩ cũng là một dạng rối loạn nhịp tim do rối loạn hoạt động điện ở tâm nhĩ. Trong cuồng nhĩ, nhịp tim có thể đập bình thường hoặc nhanh, đều hoặc không đều, tình trạng này dẫn đến các buồng tim bên dưới cũng phản ứng đập nhanh theo:
- Các buồng nhĩ của tim đập: từ 250 đến 350 lần/phút;
- Các buồng tim bên dưới: từ thông thường đến 150 nhịp/phút hoặc hơn.
Các triệu chứng của cuồng nhĩ nếu không được điều trị kịp thời, nguy cơ dẫn đến các biến chứng:
- Cục máu đông: tim hoạt động không hiệu quả như bình thường khiến máu bị ứ lại trong tâm nhĩ, hình thành nên cục máu đông. Nếu cục máu đông di chuyển vào máu, có thể bị mắc kẹt trong động mạch, dẫn đến đột quỵ;
- Bệnh cơ tim và suy tim: cuồng nhĩ khiến tim đập nhanh trong thời gian dài làm tăng nguy cơ phát triển bệnh cơ tim và làm suy giảm chức năng tim.
3. Ngoại thu tâm nhĩ
Ngoại thu tâm nhĩ là một dạng rối loạn nhịp tim, với đặc trưng là nhịp tim sớm hơn so với bình thường. Khi tín hiệu điện từ tâm nhĩ phát nhịp mà không phải nút xoang, gây ra một nhịp ngoại tâm thu. Nhịp này thường yếu nên tim sẽ bỏ qua trong một thời gian ngắn để đập một nhịp mạnh, bơm máu tích lũy ra khỏi buồng tim. Do đó, người bệnh sẽ có các triệu chứng như:
- Cảm thấy bị hụt hẫng trong lồng ngực;
- Cảm giác như tim bị bỏ nhịp.
Trường hợp ngoại thu tâm nhĩ có dấu hiệu tiến triển nặng dần, đặc biệt là ở những người có bệnh nền về tim mạch, có thể là dấu hiệu cảnh báo chứng rối loạn nhịp tim nghiêm trọng như:
- Rung nhĩ;
- Nhịp nhanh trên thất.
Do đó, người bệnh nên đến gặp bác sĩ thăm khám và điều trị sớm.
4. Thông liên nhĩ
Thông liên nhĩ là bệnh lý tim bẩm sinh với một lỗ thủng ở giữa hai buồng tâm nhĩ. Trẻ bị thông liên nhĩ có thể không xuất hiện triệu chứng, trẻ vẫn khỏe mạnh bình thường. Nhưng nếu lỗ thông liên nhĩ có kích thước lớn, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như:
- Thở nhanh;
- Khó thở;
- Dễ mệt mỏi;
- Trẻ chậm tăng trưởng;
- Rối loạn nhịp tim;
- Thường xuyên bị nhiễm trùng đường hô hấp.
Một số lỗ thông liên nhĩ có kích thước nhỏ sẽ tự đóng lại khi trẻ từ 1-4 tuổi. Tuy nhiên, với lỗ thông lớn có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như:
- Suy tim bên phải;
- Rối loạn nhịp tim;
- Tăng nguy cơ đột quỵ;
- Giảm tuổi thọ;
- Tăng áp động mạch phổi;
- Hội chứng Eisenmenger.

5. Rối loạn nút xoang
Rối loạn chức năng nút xoang là tình trạng các rối loạn liên quan đến quá trình lan truyền hoạt động điện tại nút xoang. Hoạt động nút xoang bất thường có thể dẫn đến không có khả năng đáp ứng nhu cầu sinh lý, đặc biệt là trong thời gian căng thẳng hoặc hoạt động thể chất. Rối loạn chức năng nút xoang có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp hơn ở người lớn tuổi.
Các triệu chứng lâm sàng xuất phát từ việc giảm tưới máu các cơ quan đích. Khoảng 50% bệnh nhân có biểu hiện giảm tưới máu não (ví dụ như ngất, tiền ngất, choáng váng, tai biến mạch máu não). Các triệu chứng khác bao gồm:
- Đánh trống ngực;
- Giảm khả năng chịu đựng hoạt động thể chất;
- Đau thắt ngực;
- Mệt mỏi cơ bắp;
- Thiểu niệu.
6. Nhịp nhanh nhĩ
Nhịp nhanh nhĩ là tình trạng tim đập nhanh bất thường, thường bắt nguồn từ buồng tâm nhĩ. Trong trường hợp này, tâm nhĩ có thể đập nhanh hơn hoặc tương đương với tâm thất. Điều này xảy ra do các ổ phát nhịp không bình thường trong tâm nhĩ, thường có tần số cao hơn nút xoang, khiến tim đập nhanh một cách bất thường. Có ba nguyên nhân chính gây ra nhịp nhanh nhĩ: tăng tính tự động của tế bào tim, hoạt động khởi kích và hiện tượng vòng vào lại.
Đây là bệnh lý khá phổ biến và gặp nhiều ở những người lớn tuổi. Các cơn nhịp nhanh nhĩ chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và người bệnh không cảm nhận được triệu chứng. Nếu người lớn bị nhịp nhanh nhĩ, có thể xuất hiện các triệu chứng bao gồm:
- Hồi hộp;
- Tim đập nhanh;
- Chóng mặt;
- Ngất xỉu;
- Đau ngực;
- Hụt hơi.
Nhịp nhanh nhĩ khi kéo dài, không được điều trị đúng cách, có thể dẫn đến:
- Bệnh cơ tim;
- Suy tim;
- Rung nhĩ.
7. Phì đại tâm nhĩ
Phì đại tâm nhĩ còn được biết đến với tên gọi dày tâm nhĩ, là tình trạng mà cả tâm nhĩ trái, tâm nhĩ phải hoặc cả hai có thể bị dày lên. Tình trạng phì đại tâm nhĩ trái thường xảy ra do quá tải về áp lực hay thể tích máu trong tâm nhĩ trái. Đây thường là dấu hiệu báo trước của rối loạn nhịp tim nghiêm trọng.
Các nguyên nhân gây ra phì đại tâm nhĩ trái bao gồm:
- Hẹp van hai lá;
- Tăng huyết áp kết hợp với phì đại thất trái;
- Một số bệnh tim khác liên quan đến cấu trúc van tim và cơ tim.
Trong khi đó, phì đại tâm nhĩ phải thường liên quan đến tăng áp lực trong động mạch phổi, bao gồm các bệnh như:
- Bệnh phổi mạn tính (cor pulmonale);
- Hẹp van ba lá;
- Các bệnh tim bẩm sinh như hẹp động mạch phổi;
- Tứ chứng Fallot.
Phì đại hai tâm nhĩ được chẩn đoán thông qua điện tâm đồ, nơi cả hai tâm nhĩ đều cho thấy các dấu hiệu của sự phì đại.
8. U nhầy nhĩ
U nhầy nhĩ là khối u nguyên phát ở tim, có thể tồn tại và phát triển rất lâu trong cơ thể nhưng không có biểu hiện hoặc triệu chứng mơ hồ. Khối u phát triển từ vách ngăn của hai tâm nhĩ, thường gặp nhiều hơn là u nhầy nằm ở tâm nhĩ trái. Triệu chứng thường gặp là:
- Khó thở khi hoạt động gắng sức;
- Khó thở kịch phát về đêm và nặng nhất là phù phổi cấp.
U nhầy nhĩ là một trong những nguyên nhân gây đột tử do u lấp kín lỗ van hai lá, khiến máu không thể lưu thông xuống tâm thất trái và đi ra nuôi cơ thể được. Bệnh nhân có thể bị một số biến chứng do một phần khối u bung ra và trôi theo dòng máu làm tắc mạch máu đến tim và não như:
- Nhồi máu cơ tim cấp;
- Nhồi máu não.

Phương pháp chẩn đoán tâm nhĩ hoạt động bình thường
Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng sức khỏe của người bệnh, những triệu chứng, bệnh nền kèm theo hoặc các dấu hiệu nghi ngờ bệnh lý liên quan đến tâm nhĩ để chỉ định các phương pháp chẩn đoán phù hợp. Thông thường, những phương pháp được áp dụng bao gồm:
- Điện tâm đồ (ECG): Ghi lại nhịp tim thông qua điện cực được gắn/dán trên người bệnh nhân, giúp chẩn đoán các bệnh lý như rung tâm nhĩ, cuồng nhĩ, ngoại thu tâm nhĩ…
- Holter ECG: Người bệnh sẽ đeo thiết bị trong vòng 24-48 giờ để ghi lại hoạt động điện tim, giúp theo dõi bất thường điện tim hoặc các cơn loạn nhịp xuất hiện trong suốt thời gian người bệnh đeo thiết bị.
- Siêu âm tim: Là phương pháp thăm dò chẩn đoán quan trọng trong việc kiểm tra, phát hiện các bất thường về cấu trúc, chức năng hay bệnh lý ở tim.
- Siêu âm tim gắng sức (bằng xe đạp hoặc bằng Dobutamine): Theo dõi nguồn cung cấp máu vào tim, khả năng hoạt động và thực hiện chức năng tim. Thông qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ so sánh hình ảnh của tim trước và sau khi gắng sức, cho phép xác định các thay đổi hoặc bất thường xảy ra ở tim.
- Chụp X-quang ngực: Thường được chỉ định khi có nghi ngờ bất thường ở tim, phổi, lồng ngực. Kỹ thuật này giúp bác sĩ có thể quan sát được bóng của tâm nhĩ, tâm thất và hệ mạch phổi.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Để phát hiện các bất thường khác liên quan đến tim.
Trong một vài trường hợp bệnh lý phức tạp, các bác sĩ có thể tiến hành thông tim để đánh giá các rối loạn giải cấu trúc hoặc chức năng của tâm nhĩ, từ đó có thể đưa ra các chiến lược điều trị phù hợp
Biện pháp phòng ngừa sức khỏe tâm nhĩ và các bệnh lý liên quan
Để phòng ngừa các vấn đề về sức khỏe tâm nhĩ cũng như các bệnh lý liên quan, điều quan trọng là mỗi người cần xây dựng một lối sống khoa học, tốt cho sức khỏe tim mạch bao gồm:
- Có chế độ ăn uống hợp lý, ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc, cá béo; hạn chế những thực phẩm chứa nhiều cholesterol…
- Duy trì thói quen vận động đều đặn mỗi ngày, tập thể dục ít nhất 5 buổi/tuần với mỗi buổi tập khoảng 30 phút.
- Cân nặng phù hợp với độ tuổi, nếu thừa cân, béo phì, nên giảm cân một cách khoa học.
- Kiểm soát tốt các bệnh lý liên quan như huyết áp cao, tiểu đường, cholesterol cao…
- Tránh căng thẳng, quá áp lực.
- Dành thời gian thư giãn tinh thần và ngủ đủ giấc mỗi ngày. (5)
Đồng thời, nên thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát, phát hiện và điều trị các bất thường về tâm nhĩ hoặc những bệnh lý liên quan. Người bệnh nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để thăm khám và điều trị.
Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là nơi quy tụ đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tim mạch. Đồng thời, trung tâm có hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại, áp dụng những kỹ thuật hiện đại mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch, đem lại hiệu quả chữa trị tốt nhất cho người bệnh.
Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị trực tiếp với các bác sĩ tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách hàng có thể liên hệ theo thông tin sau:
Hiểu rõ về cấu trúc, chức năng của tâm nhĩ cũng như những bệnh lý liên quan, sẽ giúp mỗi người chủ động hơn trong việc phòng ngừa, thăm khám để phát hiện và điều trị bệnh sớm, hạn chế các biến chứng nguy hiểm.