Nhau thai là bộ phận đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thai nhi. Vậy, cấu tạo của nhau thai ra sao? Chức năng của nhau thai là gì? Sau sinh nhau thai được xử lý như thế nào?
Bài viết được tư vấn bởi Trung tâm Thông tin Y khoa, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Nhau thai là gì?
Nhau thai hay còn gọi là rau thai (hoặc gọi vắn tắt là “nhau”) là cơ quan tạm thời kết nối thai nhi với tử cung của người mẹ trong suốt thai kỳ. Sau khi thụ thai, nhau thai sẽ được hình thành và bám vào thành tử cung của người mẹ và kết nối với thai nhi thông qua dây rốn. Nhau và dây rốn là huyết mạch nuôi dưỡng thai nhi khi còn trong bụng mẹ.
Nhau thai hình thành như thế nào?
Nhau thai hay rau thai bắt đầu hình thành sau 7 - 10 ngày khi trứng được thụ tinh và làm tổ bên trong tử cung của người mẹ. Ban đầu, nhau chỉ tồn tại dưới dạng một vài tế bào, sau đó dần phát triển kích thước trong suốt thai kỳ. (1)

Cấu tạo nhau thai người
Sau khi được hình thành, rau thai sẽ tiếp tục phát triển và đạt cấu tạo hoàn chỉnh ở tháng thứ 4 của thai kỳ. Khi đó, nhau có hình đĩa nhiều múi (có các rãnh nhỏ giữa các múi) với đường kính khoảng 20cm, độ dày 3cm và nặng khoảng 500g với cấu tạo cơ bản bao gồm: (2)
- Màng ối và màng đệm
- Khoang ối
- Phần nhau
- Nhánh nhung mao đệm
- Dây rốn
- Chỗ bám của nhau
Trong đó, màng ối và màng đệm sẽ bao phủ toàn bộ mặt trong và khoang ối. Dây rốn có thể gắn vào giữa nhau thai hoặc lệch tâm trên bề mặt rau thai. Tại vị trí tiếp xúc với dây rốn, rau thai tỏa ra nhiều mạch đệm thuộc mạch của dây rốn.
Ở màng đệm rau thai hình thành khoảng 200 thân chính được chia nhiều nhánh trở thành các nhung mao đệm. Mỗi nhung mao đệm này bao gồm trục liên kết có chứa nhánh động mạch nhỏ và tĩnh mạch đệm nối với nhau nhờ lưới mao mạch đệm. Phần nhau là lớp đặc trưng của màng rụng rau thai được tạo bởi mô mẹ. Khi rau thai sổ ra ngoài, ở mặt rau về phía tử cung xuất hiện nhiều rãnh nông định ranh giới cho các múi rau.
Chức năng của nhau thai người
Nhau thai có chức năng nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thai kỳ. Bởi vì, lưu lượng máu cung cấp oxy, glucose và các chất dinh dưỡng sẽ được dây rốn vận chuyển từ nhau đến thai nhi. Nhau cũng đảm nhận nhiệm vụ lọc chất thải và carbon dioxide từ máu của thai nhi. (3)
Ngoài ra, rau thai còn hoạt động như một bộ lọc cho cho phép trao đổi dưỡng chất và oxy giữa dòng máu của mẹ và bé một cách độc lập, không gây lẫn lộn. Rau thai đóng vai trò như cơ quan gan, thận, phổi của thai nhi cho đến khi em bé chào đời.
Giai đoạn cuối của thai kỳ là lúc nhau dẫn truyền kháng thể để khởi động khả năng miễn dịch tự nhiên của em bé. Khả năng miễn dịch này sẽ gắn bó với em bé trong suốt những tháng đầu đời. Ngoài ra, một số hormone quan trọng cần thiết cho mẹ và bé như progesterone, estrogen, lactogen cũng được nhau sản xuất trong thai kỳ.
Vị trí nhau thai
Nhau thai có thể hình thành và phát triển ở bất kỳ vị trí nào trong tử cung của người mẹ. Thông thường, nhau thường xuất hiện ở một số vị trí phổ biến như:
- Nhau bám ở phía trước thành tử cung
- Nhau bám ở phía sau thành tử cung
- Nhau bám ở thành tử cung phía trên
- Nhau bám bên trái hoặc bên phải tử cung
Nhau có xu hướng dịch chuyển lên phía trên cho đến khi thai nhi đạt cột mốc 32 tuần. Nhau sẽ di chuyển lên trên và ra khỏi cổ tử cung khi thai nhi lớn dần lên là hiện tượng tự nhiên.

Bệnh lý hay vấn đề thường gặp về nhau thai
Khi nhau phát triển bất thường có thể dẫn đến nhiều rủi ro sức khỏe cho cả mẹ và bé. Một số tình trạng hay bệnh lý thường gặp về nhau thai điển hình như:
1. Nhau cài răng lược
Ở thai kỳ khỏe mạnh, sau khi em bé chào đời nhau sẽ tự bong tróc khỏi tử cung, sau đó tử cung sẽ co bóp để tống nhau khỏi cơ thể người mẹ. Tuy nhiên, một số trường hợp nhau thai bất thường có thể tiếp tục bám chặt và có xu hướng xâm lấn tử cung thậm chí các cơ quan khác trong ổ bụng được gọi là nhau cài răng lược.
Khi bị nhau cài răng lược, sản phụ phải đối mặt với nhiều rủi ro như sinh non, xuất huyết nghiêm trọng, suy hô hấp, suy thận…. Hầu hết thai phụ bị nhau cài răng lược đều phải sinh con bằng phương pháp mổ kết hợp loại bỏ nhau khỏi cơ thể để hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng.
2. Nhau tiền đạo
Nhau tiền đạo là bệnh phổ biến tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và bé. Bệnh lý này xảy ra khi nhau bám ở vị trí gần lỗ của ống tử cung gây chảy máu trước hoặc trong khi chuyển dạ. Vì vậy, thai phụ cần tuân thủ chỉ định khám thai để có thể sớm chẩn đoán được tình trạng nhau tiền đạo để có biện pháp xử trí kịp thời và phù hợp. Khi bị nhau thai tiền đạo, thai phụ cần tránh hoạt động gây co thắt tử cung như quan hệ vợ chồng, ngồi xổm, nhảy, thụt rửa….
3. Nhau bong non
Thông thường, nhau chỉ bong khỏi thành tử cung sau khi thai nhi đã sổ ra ngoài. Tuy nhiên, trong một số trường hợp rau thai có thể bị bong tróc hoàn toàn khỏi thành tử cung trước khi chuyển dạ được gọi là rau thai hay nhau bong non.
Khi đó, cầu nối dinh dưỡng từ mẹ sang thai nhi sẽ bị gián đoạn làm tăng nguy cơ tử vong ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Ngoài ra, tình trạng nhau bong non không được cấp cứu kịp thời có thể khiến thai phụ đối mặt với nguy cơ xuất huyết nghiêm trọng tại các cơ quan trong ổ bụng gây đe dọa tính mạng.

4. Thai trứng
Thai trứng là tình trạng các gai nhau phát triển bất thường thành các túi nhỏ chứa nước bên trong (như chùm nho). Những túi chứa nước này được nối với nhau bằng các sợi nhỏ và có xu hướng lấn át thai nhi. Thai trứng có hai loại chính là thai trứng toàn phần (không có phôi thai) và thai trứng bán phần (có phôi thai bất thường). Các khối trứng này cần được lấy ra ngoài tử cung bằng cách hút nạo thai trứng để hạn chế biến chứng nguy hiểm.
5. Suy thai
Suy thai có thể bắt nguồn từ nhiều nguy nhiên, bao gồm bệnh lý nhau thai như nhau tiền đạo, nhau bong non, suy bánh nhau, nhau bị vôi hóa…. Suy thai hay còn gọi là thai yếu xảy ra do hiện tượng thiếu oxy trong máu hoặc trong tổ chức thai khi thai nhi đang phát triển trong tử cung của người mẹ. Suy thai bao gồm hai loại:
- Suy thai trong lúc chuyển dạ (cấp tính): Xảy ra đột ngột khi chuyển dạ có thể đe dọa tính mạng trẻ sơ sinh.
- Suy thai trong thai kỳ (mạn tính): Xảy ra trong suốt thai kỳ với biểu hiện không rõ ràng. Nếu không có biện pháp cải thiện, suy thai trong thai kỳ có thể tiến triển thành suy thai khi chuyển dạ.
6. Thai chậm phát triển trong tử cung
Thai chậm phát triển trong tử cung có thể bắt nguồn từ nhiều vấn đề, trong đó bất thường ở rau thai là nguyên nhân phổ biến. Bởi vì, bánh nhau và dây rốn là mối liên kết giữa người mẹ và thai nhi. Do đó, mọi bất thường về nhau thai đều tiềm ẩn nguy cơ khiến thai nhi chậm phát triển.
7. Thai chết lưu
Hiện tượng thai ngừng phát triển trong khoảng thời gian sau tuần thứ 20 và trước khi chuyển dạ được gọi là thai chết lưu. Thai chết lưu có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó rau bong non là yếu tố hàng đầu khiến thai chết lưu. Thai lưu được phân loại cụ thể như sau:
- Thai lưu sớm: Thai ngừng phát triển trong khoảng thời gian từ tuần thai thứ 20 đến 27.
- Thai lưu muộn: Thai ngừng phát triển trong khoảng thời gian từ tuần thai thứ 28 đến 36.
- Thai lưu đủ tháng: Thai ngừng phát triển sau tuần thứ 37 của thai kỳ.
8. Sót nhau thai
Sót nhau là tình trạng nhau không được đẩy ra hoàn toàn khỏi tử cung sau khi sinh em bé. Sản phụ sinh mổ có nguy cơ bị sót nhau cao hơn sinh thường. Sót nhau cần được xử trí kịp thời để hạn chế nguy cơ mất chức năng sinh sản do dính buồng tử cung hoặc tử vong do nhiễm trùng.
9. Phù nhau
Phù nhau là hiện tượng nhau thai gia tăng kích thước (gấp đôi hoặc nhiều hơn) do tích nước. Tình trạng này có thể làm giảm chức năng cung cấp oxy và dưỡng chất đến thai nhi, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của bé.
Một số vấn đề có thể ảnh hưởng đến nhau thai
Trong thai kỳ, một số vấn đề có thể gây ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của nhau thai điển hình như: (4)
- Tuổi của thai phụ: Nguy cơ gặp phải các vấn đề trong thai kỳ, bao gồm bệnh lý về nhau có xu hướng gia tăng ở phụ nữ lớn tuổi (trên 40 tuổi).
- Chứng rối loạn đông máu: Thai phụ bị rối loạn đông máu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hoạt động của bánh nhau.
- Stress, căng thẳng: Thai phụ thường xuyên bị căng thẳng có thể ảnh hưởng xấu đến sự hình thành và phát triển của nhau thai.
- Tiền sử bị nhau thai bệnh lý: Thai phụ từng mắc phải các vấn đề về bệnh lý bánh nhau ở thai kỳ trước đó có thể tăng nguy cơ tái phát tình trạng này ở các lần mang thai tiếp theo.
- Lạm dụng chất kích thích: Sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, bia, rượu… trong thời gian dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhau thai, tiềm ẩn nguy cơ gây hại thai nhi.
- Mang đa thai: Khi có nhiều hơn một thai nhi phát triển trong tử cung, sử hình thành và phát triển nhau có thể bị ảnh hưởng.
- Tăng huyết áp: Nhau thai có thể không được phát triển hoàn thiện khi thai phụ bị tăng huyết áp.
Dấu hiệu nhận biết các vấn đề về rau thai cần lưu ý
Trong mọi trường hợp, thai phụ cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định thăm khám từ bác sĩ sản khoa để sớm phát hiện và có biện pháp xử trí kịp thời các vấn đề về rau thai hoặc bất thường thai kỳ khác. Thai phụ cần lưu ý một số biểu hiện bất thường có thể liên quan đến nhau thai hay rau thai sau đây để kịp thời đến bệnh viện thăm khám:
- Xuất huyết âm đạo đột ngột, bất thường. Xuất huyết âm đạo ở thời điểm tam cá nguyệt thứ 3 có thể là triệu chứng nhau cài răng lược.
- Đau bụng dữ dội và kéo dài.
- Bụng có hiện tượng co cứng bất thường.
- Xuất hiện nhiều cơn gò tử cung.
- Thai phụ bị chóng mặt hoặc ngất xỉu.

Câu hỏi thường gặp về rau thai
1. Nhau thai sau khi sinh được xử lý như thế nào?
Rau thai hay nhau thai lâu nay được xem là chất thải y tế cần được xử lý theo quy trình nghiêm ngặt. Tuy nhiên với sự phát triển của y học, các nhà nghiên cứu phát hiện trong nhau thai có chứa một lượng tế bào gốc hữu ích. Do đó, rau thai hay nhau thai có thể được giữ lại để thu thập các tế bào gốc này. Tế bào gốc từ nhau thai sẽ được xử lý và lưu trữ với tiềm năng ứng dụng điều trị nhiều bệnh lý.
2. Lưu trữ tế bào gốc từ nhau thai để làm gì?
Tế bào gốc từ nhau thai có nhiều tiềm năng giúp hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý cho chính em bé hoặc người thân trong tương lai. Rau thai là nguồn cung cấp tế bào gốc chưa trưởng thành có khả năng giúp sửa chữa hoặc thay thế các tế bào bị hư hỏng do bệnh lý. Hiện nay, các gia đình có thể chọn lưu trữ tế bào gốc từ dây rốn hoặc nhau thai tại các cơ sở y tế uy tín được Bộ Y tế cấp phép cung cấp dịch vụ chuyên môn này. Lưu trữ tế bào gốc sau khi trẻ chào đời được xem là “bảo hiểm sức khỏe” cho bản thân bé và các thành viên khác gia đình.
Trung tâm Tế bào gốc và Ngân hàng mô thuộc Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là cơ sở y tế cung cấp dịch vụ lưu trữ tế bào gốc uy tín hàng đầu tại Việt Nam. Nơi đây quy tụ chuyên gia giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao trong lĩnh vực thu thập, xử lý, lưu trữ và ứng dụng tế bào gốc. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, quy trình thu thập và lưu trữ tế bào gốc từ dây rốn được thực hiện khép kín với đa dạng mốc thời gian lưu trữ cho khách hàng chọn lựa.
Tóm lại, mọi bất thường về nhau thai đều tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe của mẹ và bé. Thai phụ cần tuân thủ chỉ định khám thai định kỳ để sớm phát hiện và có biện pháp xử trí tình trạng rau thai bệnh lý kịp thời.