Chăm chỉ, kiên nhẫn là những đức tính đáng quý của dân tộc ta. Cha ông ta đã đúc kết bài học này qua câu tục ngữ “Kiến tha lâu cũng đầy tổ”, nhằm nhắc nhở con cháu phải thấu hiểu giá trị của sự kiên nhẫn, siêng năng thì mới nhận được thành quả xứng đáng.
1. “Kiến tha lâu cũng đầy tổ” nghĩa là gì?
Trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam, có rất nhiều câu thành ngữ, tục ngữ có ý nghĩa khuyên nhủ, răn dạy chúng ta làm điều hay lẽ phải, giữ gìn nét đẹp truyền thống dân tộc. Câu tục ngữ “Kiến tha lâu cũng đầy tổ” chính là một trong số đó.
“Kiến tha lâu cũng đầy tổ” miêu tả hình ảnh con kiến khi đi kiếm mồi. Chúng là những chú kiến nhỏ bé nhưng cần mẫn, chăm chỉ, chịu thương chịu khó gánh miếng thức ăn trên lưng, vượt cả chặng đường dài trước khi về tổ.
Bởi vì con kiến rất nhỏ bé, mỗi lần chỉ tha được một chút mồi nên thành quả thu được rất ít ỏi. Tuy nhiên, chỉ cần kiến tha mồi đủ lâu, số lương thực ít ỏi mỗi lần lấy được sẽ nhiều dần lên, sẽ đầy ắp tổ.
Như vậy, mượn hình ảnh quen thuộc, gần gũi là “Kiến tha lâu cũng đầy tổ”, người xưa đã răn dạy con cháu không nên lười biếng, phải kiên trì, nhẫn nại, chăm chỉ, nỗ lực hết mình. Bởi nhiều cái nhỏ sẽ hợp được thành cái lớn, bỏ công sức, không ngại khó, chẳng ngại khổ thì ắt đạt được thành tựu lớn lao.
Xem thêm: Câu tục ngữ “Tích tiểu thành đại” và bài học về tính tiết kiệm của người xưa
2. “Kiến tha lâu cũng đầy tổ” còn phù hợp với đời sống hiện nay không?
Trong đời sống hiện tại đề cao sự tiện dụng, nhanh gọn, con người có xu hướng ỷ lại vào công nghệ, phương tiện, máy móc thậm chí là ỷ lại vào người khác để hoàn thiện công việc. Vậy thì bài học về sự bền bỉ, nhẫn nại, chăm chỉ của câu tục ngữ “Kiến tha lâu cũng đầy tổ” có còn giữ nguyên giá trị hay không?
Câu trả lời là có. Rõ ràng, chúng ta không thể phủ nhận rằng, các phương tiện máy móc, công nghệ đang giúp con người tối ưu hoá quá trình hoạt động rất hiệu quả hơn các giai đoạn trước rất nhiều. Và hệ quả tương ứng là con người không cần phải nỗ lực quá nhiều cũng có thể hoàn thành được công việc.
Tuy nhiên, điều khiến đức tính kiên nhẫn, nhẫn nại vẫn luôn cần thiết và có giá trị là tất cả mọi người đều có thể tận dụng sự tiện ích của máy móc. Nghĩa là nhờ vào máy móc, ai cũng có thể hoàn thành công việc, nhưng tiêu chuẩn hoàn thành chỉ đạt mức độ trung bình hay nói cách khác là quá đồng đều, không có sự nổi bật, vượt trội.
Để đạt được thành tựu, có sự đột phá con người vẫn cần cố gắng, nỗ lực, chăm chỉ nhiều hơn nữa. Ngoài ra, dựa vào bản thân cũng là một trong những cách giúp chúng ta tạo nên sự khác biệt với những người lười biếng, lựa chọn cách làm việc ở mức độ trung bình.
Xem thêm: Lời dạy quý báu của cha ông ta qua câu thành ngữ ‘há miệng chờ sung’
3. Những câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao nói về sự siêng năng, kiên nhẫn
Để đạt được thành công, chúng ta phải siêng năng và kiên trì. Đây cũng chính là lý do mà kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về đức tính chăm chỉ, kiên nhẫn mà ông cha ta để lại vô cùng đa dạng và phong phú.
- Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ.
- Cần cù bù thông minh.
- Luyện mãi thành tài, miệt mài tất giỏi.
- Có công mài sắt có ngày nên kim.
- Thua keo này bày keo khác.
- Có chí thì nên.
- Trăm bó đuốc cũng vớ được con ếch.
- Một nắng hai sương.
- Năng nhặt chặt bị.
- Muốn ăn thì lăn vào bếp.