Sự nghiệp nhiều dấu ấn
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường quê gốc làng Bích Khê, xã Triệu Long (Triệu Phong, Quảng Trị). Thời trẻ, Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh sống và học tập tại Huế. Sau khi học hết bậc trung học ở Huế, ông chuyển vào TPHCM học tại trường Đại học Sư phạm Sài Gòn.
Năm 1960, ông tốt nghiệp khóa I ban Việt Hán - Đại học Sư phạm Sài Gòn. Sau đó ông quay trở lại Huế, tiếp tục việc học tại trường Đại học Văn khoa Huế. Năm 1964, ông chính thức tốt nghiệp và nhận bằng cử nhân Triết học tại ngôi trường này.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đời ngày 24/7 sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật.
Ông viết văn và viết báo từ khi còn rất trẻ, sau này từng nắm giữ nhiều chức vụ: Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình - Trị - Thiên, Tổng thư ký Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình TP. Huế, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình - Trị - Thiên, Tổng biên tập tạp chí Sông Hương, Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Trị, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt.
Viết văn, làm thơ tuy nhiên Hoàng Phủ Ngọc Tường được đánh giá cao nhất ở mảng bút ký. Ông là chủ nhân của rất nhiều tác phẩm ký được yêu thích có thể kể đến như Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu (1971), Rất nhiều ánh lửa (1979), Ai đã đặt tên cho dòng sông (1984), Bản di chúc của cỏ lau (1984), Hoa trái quanh tôi (1995), Huế - di tích và con người (1995), Miền cỏ thơm (2007)... Ông sắc tác nhiều tác phẩm thơ như Những dấu chân qua thành phố (1976), Người hái phù dung (1992).
Những tác phẩm ký được nhiều người yêu mến của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Nét đặc sắc trong sáng tác của ông đến từ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và chất trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lý...
“Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết bút ký rất hay. Lời văn cuồn cuộn chất liệu của cuộc sống, sự liên tưởng các sự kiện luôn dồi dào và phong phú đem đến cho người đọc nhiều cảm hứng thú vị”, nhà văn Trần Nguyên Vấn cho biết.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lâm bạo bệnh vào năm 1998, nhưng ông không chịu “buông bút”, nhiều hình ảnh, nhân vật, ý tưởng đang muốn trỗi dậy, ông luôn muốn được thể hiện hình ảnh đó trên trang viết.
Đôi vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ thời trẻ.
Vì vậy, vợ ông - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ - trở thành “thư ký riêng của chồng". Bà ghi chép cần mẫn bản thảo của gần chục đầu sách văn xuôi, gồm bút ký, tiểu luận, tản văn của chồng...
Trong đời sống, Hoàng Phủ Ngọc Tường đậm chất thẳng thắn của con người gốc Quảng Trị, dám nói thẳng, nói thật nhiều điều nhưng vẫn được nhiều người yêu mến.
Nhà văn Trần Nguyên Vấn là bạn cùng trường Trung học Khải Định Quốc học Huế với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đến năm 1969, Chi hội Văn nghệ giải phóng Trị -Thiên - Huế thành lập, nhà văn Trần Nguyên Vấn và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cùng sinh hoạt và làm việc tại đây.
“Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là trí thức uyên bác, sống nhiệt tình với bè bạn và hết lòng vì công việc chung. Ông không phải là người khó tính mà luôn gần gũi chan hòa với bạn bè”, nhà văn Trần Nguyên Vấn chia sẻ với Tiền Phong.
“Nhớ đến ông Tường trước hết phải nhắc tới thầy giáo dạy triết học, từng hoạt động trên chiến khu rồi mới bắt đầu làm thơ, viết ký. Sở dĩ tác phẩm ký của ông được đánh giá cao là nhờ chiều sâu triết lý. Điều này thể hiện rất rõ trong những tác phẩm như Ai đã đặt tên cho dòng sông, Miền gái đẹp...”, nhà văn Ngô Thảo nhận định.
Đời sống thăng trầm
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ lập gia đình và có hai cô con gái Hoàng Dạ Thi, Hoàng Dạ Thư. Họ gắn bó nhiều năm với Hội Văn nghệ Quảng Trị và Bình - Trị - Thiên, hai tạp chí Cửa Việt và Sông Hương.
Hai vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thuộc thế hệ văn nghệ sĩ lão thành của khu vực Bắc miền Trung. Chuyện tình lãng mạn của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường với vợ - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ - được giới văn chương ngưỡng mộ.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, nhà báo Nguyễn Ngọc Cương, và nhà thơ Nguyễn Văn Hùng (phải qua trái).
Cả hai giản dị bên nhau, cùng viết văn, làm thơ, vun vén hạnh phúc gia đình. Thế nhưng, năm 1998, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bị tai biến, hôn mê trong hai tháng. Đang có chuyến đi Mỹ, Lâm Thị Mỹ Dạ phải tức tốc hủy lịch trình, bay về chăm sóc chồng.
Nhiều năm sau đó, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ ở bên chăm sóc, lo toan mọi chuyện cho chồng. Nhà thơ Nguyễn Văn Hùng nhớ mãi khoảng thời gian tháng 9/2000, ông và nhà báo Ngọc Cương đến thăm nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tại nhà riêng.
“Lúc bấy giờ, chị Dạ đang khỏe, hàng ngày đều đặn bón cơm, cháo cho chồng chủ yếu là nằm, muốn ngồi dậy hay đi vệ sinh phải có người nâng đỡ, dìu dắt từng tí. Khi đỡ hơn anh ngồi xe lăn, chị đẩy đi đây đó. Nghe có ai mách nơi nào thuốc hay, thầy giỏi, chị không quản đường xa đưa chồng đến chữa chạy với hy vọng mong manh”, nhà thơ Nguyễn Văn Hùng kể lại.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lặng lẽ rời cõi tạm chỉ 18 ngày sau vợ ông - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ về miền mây trắng. Sự ra đi của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là nỗi tiếc nhớ của giới văn chương, nhưng suy cho cùng ông đã được giải thoát khỏi bệnh tật, được đoàn tụ với người vợ hiền lành ở cõi khác.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - cho biết nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thuộc thế hệ nhà văn sống trong những năm tháng chiến tranh tàn khốc, nhiều đau thương, nhưng ông đã viết như không thể sống mà không viết.
Nhà văn Ngô Thảo mới đầu tháng 7 vào TPHCM viếng nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Nay hay tin nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đời, ông thốt lên: “Thôi cũng là là đôi đẹp rồi. Hai người trái tính nhau nhưng vẫn đi cùng nhau suốt 50 năm qua. Lâm Thị Mỹ Dạ hiền lành, hầu hạ chồng hết mức cho đến những năm tháng cuối đời. Hoàng Phủ Ngọc Tường ra đi sau vợ cũng là được rồi”.
Ngô Thảo kể lại phút chia biệt nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn được gia đình đưa đến nhìn người bạn đời lần cuối dù ông rất yếu. Hoàng Phủ Ngọc Tường bị tai biến hơn 20 năm nay. Tuy nhiên giai đoạn đầu hồi phục sau trận tai biến năm 1998, ông tiếp tục viết: “Điều này cũng chứng tỏ con người có nghị lực sống. Trải qua nhiều sự biến động, ông ấy vẫn giữ vững bản lĩnh của người viết văn”.